LOÀI KHỦNG LONG MỚI GIỐNG CHIM, CÓ XƯƠNG CẲNG CHÂN DÀI "KỲ DỊ"

[Mê Khủng Long TV] Các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc vừa công bố loài khủng long theropod mới thuộc nhánh Avialae, nhánh khủng long bao gồm chim và những loài có quan hệ rất gần với chim.

Hiểu biết của chúng ta về lịch sử tiến hóa giai đoạn sớm nhất của nhánh Avialae, nhánh khủng long bao gồm toàn bộ các loài chim hiện đại nhưng không bao gồm Deinonychus hay Troodon, bị hạn chế bởi sự đa dạng kém của hóa thạch từ Kỷ Jura, khi Avialae phân nhánh khỏi nhánh chính của khủng long theropod," theo Tiến sĩ Min Wang, nhà cổ sinh vật học tại Viện Cổ sinh vật học Động vật có xương sống và Cổ nhân học Trung Quốc.

Phục dựng ngoại hình của Fujianvenator prodigiosus. Tranh của Zhao Chuang.

"Cụ thể, có rất ít hóa thạch Avialae được báo cáo tìm thấy tại các địa điểm khác ngoài Hệ sinh thái Yanliao có niên đại Jura giữa - Jura muộn (166-159 triệu năm trước) và Hệ tầng Đá vôi Solnhofen trẻ hơn một chút ở Đức, để lại một khoảng trống khoảng 30 triệu năm cho đến phát hiện cổ nhất của nhánh Avialae ở Kỷ Phấn Trắng."

"Những loài Avialae phân nhánh sớm nhất chính là chìa khóa để giải mã nguồn gốc tiến hóa của những đặc điểm hình thái đặc trưng của các loài Avialae góp phần dẫn đến sự đa dạng hóa trên phạm vi toàn cầu đầu tiên của chúng vào Kỷ Phấn Trắng và quan trọng hơn, để hé lộ lịch sử tiến hóa ngày càng phức tạp của những loài Avialae gốc."

Loài Avialae mới xác định từng sống trên Trái đất cách đây khoảng 150 triệu năm trước (tức Thế Jura muộn). Có danh pháp khoa học là Fujianvenator prodigiosus, nó có lẽ là thành viên trẻ nhất của các loài Avialae Kỷ Jura.

"Fujianvenator prodigiosus là một con Avialae có kích cỡ bằng chim trĩ với xương cẳng chân dài gấp đuôi xương đùi, một đặc điểm chưa từng được biết đến ở các loài khủng long phi điểu," theo nhóm nghiên cứu. "Phát hiện này trái ngược với các loài Avialae sớm khác, vốn được cho là quen với lối sống trên cây hoặc trên không nhiều hơn trong tự nhiên."

Hóa thạch của Fujianvenator prodigiosus.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, Fujianvenator prodigiosus có lẽ sống trong môi trường giống như đầm lầy, có khả năng chạy nhanh và quen lội nước với đôi chân dài.

"Các phân tích so sánh của chúng tôi cho thấy những thay đổi nổi bật về cấu trúc cơ thể đã diễn ra xuyên suốt dòng Avialae sớm, phần lớn được thúc đẩy bởi chi trước, cuối cùng đã dẫn đến sự xuất hiện của tỷ lệ chi điển hình ở các loài chim," theo Tiến sĩ Min Wang. "Tuy nhiên, Fujianvenator prodigiosus là một giống loài kỳ lạ đã tách khỏi quỹ đạo chính và tiến hóa một kiểu cấu trúc chi sau kỳ dị."

Bộ xương không nguyên vẹn của Fujianvenator prodigiosus được khai quật tại Huyện Chính Hòa, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Nó là một phần của Quần thể Động vật Chính Hòa mới được khám phá, một bộ sưu tập hóa thạch động vật có xương sống với các loài thủy sinh và bán thủy sinh chiếm đa số, bao gồm rùa và cá vây tia. Đó là dấu hiệu của một hệ sinh thái đầm lầy rõ rệt.

Nguồn: Enrico de Lazaro: "Jurassic Bird-Like Dinosaur Had Long Lower Hindlimbs" / Sci.News.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét