TÌM THẤY ĐẦU CỦA CUỐN CHIẾU KHỔNG LỒ ARTHROPLEURA SAU 170 NĂM

[Mê Khủng Long TVRốt cuộc, người ta cũng đã có thể biết được khuôn mặt của loài cuốn chiếu dài ngang một chiếc xe hơi, cũng là động vật chân khớp lớn nhất từng tồn tại trên Trái đất - Arthropleura - trông như thế nào, nhờ vào hai hóa thạch mới có chất lượng bảo quản rất tốt.

Arthropleura từng sống trong các khu rừng gần xích đạo trong giai đoạn 346-290 triệu năm trước (Đại Cổ sinh). Trong bầu khí quyển giàu oxy khi đó, Arthropleura có thể phát triển tới chiều dài 2,6m và nặng gần nửa tạ (45kg).

"Chúng ta đã biết đến Arthropleura từ thế kỷ XVIII... đã hơn 100 năm và chúng ta chưa từng tìm thấy một cái đầu hoàn chỉnh," theo Mickaël Lheritier, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Claude Bernard Lyon 1, tác giả thứ nhất của nghiên cứu. "Bây giờ khi đã có cái đầu hoàn chỉnh, chúng ta có thể quan sát hàm, đôi mắt của nó và những đặc điểm này có thể giúp chúng ta hiểu được vị trí của nó trong quá trình tiến hóa."

Bản phục dựng mới của Arthropleura với phần đầu dựa trên những hóa thạch mới.

Arthropleura đã khiến các nhà cổ sinh vật học vò đầu bứt tóc trong suốt nhiều thập niên. Cơ thể của nó có những đặc điểm của cuốn chiếu. Nhưng vì không có đầu, các nhà khoa học không hiểu được mối quan hệ của nó với các động vật chân khớp hiện đại như cuốn chiếu và rết. Dù cuốn chiếu và rết trông khá giống nhau, nhưng chúng đã phân nhánh cách đây khoảng 440 triệu năm trước, từ rất lâu trước khi Arthropleura xuất hiện. Các nhà cổ sinh vật học luôn thắc mắc rằng liệu Arthropleura là thành viên của nhóm cuốn chiếu hay nhóm rết.

Hai mẫu vật mới được công bố là hai con Arthropleura chưa trưởng thành. Kết quả chụp CT cho thấy chúng sở hữu đôi mắt có cuống (stalked eyes) mọc ra từ hai bên của đầu, cặp râu cong nhẹ, hàm nhỏ giống như hàm của rết. Những đặc điểm này kết hợp lại tạo thành một sự pha trộn khó hiểu giữa rết và cuốn chiếu.

Dựa trên các đặc điểm giải phẫu, các nhà cổ sinh vật học cuối cùng đã xếp Arthropleura nằm gần với nhánh của cuốn chiếu. Tuy nhiên, mắt có cuống chưa từng được thấy ở bất kỳ loài cuốn chiếu hoặc rết nào. Arthropleura vốn được coi là loài sống trên cạn, nhưng mắt cuống thường được tìm thấy ở các loài động vật bán thủy sinh hoặc hoàn toàn thủy sinh, như giáp xác.

Vì đây là đầu của những con chưa trưởng thành, nhóm nghiên cứu cho rằng lời giải thích có thể nằm ở giai đoạn sống của chúng. Khi còn non, Arthropleura có thể đã dành nhiều thời gian hơn trong nước, trước khi mất đi mắt cuống khi trưởng thành. “Mắt có cuống vẫn là một bí ẩn lớn, vì chúng ta thật sự không biết cách giải thích điều này,” Lheritier nói.

Nguồn: Sierra Bouchér, "Never-before-seen head of prehistoric, car-size 'millipede' solves evolutionary mystery" / Live Science.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét