NATOVENATOR: KẺ "SOÁN NGÔI" SPINOSAURUS

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnMột loài khủng long bé nhỏ đến từ Mông Cổ đã khiến giới cổ sinh vật học xôn xao vào cuối năm 2022.

Khi nói đến khủng long, hình ảnh thường choán lấy tâm trí của chúng ta là những sinh vật khổng lồ, đặc biệt là những cỗ máy săn mồi siêu hạng như Tyrannosaurus, Giganotosaurus, Spinosaurus. Ít nổi bật hơn một chút là những gã khổng lồ ăn cỏ như Brachiosaurus, Brontosaurus, Stegosaurus, Triceratops và một số cái tên khác từng xuất hiện trên các bộ phim ăn khách, điển hình là Velociraptor. Nhưng đó mới chỉ là một phần rất nhỏ của thế giới khủng long thật sự, nơi có vô số loài khủng long với kích cỡ không lớn hơn chú chó cưng của bạn bao nhiêu nhưng chiếm lĩnh mạnh mẽ các hốc sinh thái ở khắp mọi nơi trên Trái đất. Chính những loài khủng long như vậy mới thật sự là biểu tượng cho sự thích nghi mạnh mẽ của khủng long trong Đại Trung sinh, thậm chí vượt qua cả những cái tên nổi tiếng vừa được đề cập. Một trong số đó đã vượt qua một trong những loài khủng long khổng lồ huyền thoại để độc chiếm danh hiệu loài khủng long phi điểu giỏi bơi lội đầu tiên được tìm thấy. Đó chính là câu chuyện giữa Natovenator polydontusSpinosaurus.

Tranh phục dựng ngoại hình Natovenator polydotus của DevinQuigleyArt / Deviant Art.

Có thể nói, chi khủng long Spinosaurus là một cái tên huyền thoại nhưng cũng chất chứa đầy tranh cãi giữa các nhà cổ sinh vật học về hình dạng và lối sống thật sự của nó.

Dựa trên những hóa thạch đã được tìm thấy, một số ước tính cho rằng Spinosaurus chính là chi khủng long theropod ăn thịt lớn nhất từ trước đến giờ, vượt qua cả một huyền thoại khác là khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho rằng, Spinosaurus là loài khủng long phi điểu đầu tiên được tìm thấy có khả năng bơi lội mạnh mẽ và dùng chính khả năng đó để săn mồi dưới nước. Một nghiên cứu năm 2014 chỉ ra rằng Spinosaurus có lỗ mũi lùi về phía sau, chi sau ngắn, đuôi có cấu tạo giống vây cá và bàn chân kiểu mái chèo. Đến đầu năm 2022, một nhóm nghiên cứu khác tiếp tục đẩy giả thuyết này đi xa hơn khi cho rằng những khúc xương đặc của Spinosaurus là một đặc điểm thích nghi khác rất phù hợp cho việc bơi lặn dưới nước. Tuy nhiên, sự ít ỏi của các hóa thạch khủng long thuộc chi Spinosaurus khiến cho những giả thuyết này gặp nhiều khó khăn để kiểm chứng, khi mẫu vật định danh đã bị thất lạc trong Thế chiến thứ hai, còn mẫu vật mới phát hiện gần đây vẫn chưa thể xác định là có cùng một loài với mẫu định danh hay không. 

Một bức tranh phục dựng ngoại hình Spinosaurus mới nhất của tác giả Mariolanzas.

Đến cuối năm 2022, giả thuyết Spinosaurus là loài khủng long phi điểu duy nhất giỏi bơi lặn được tìm thấy cho đến nay như bị dội một gáo nước lạnh khi giáo sư đầu ngành cổ sinh vật học Paul Sereno cùng các cộng sự công bố nghiên cứu có tựa đề ngắn gọn và súc tích: Spinosaurus không phải khủng long sống dưới nước. Nhóm của giáo sư Paul Sereno kết luận rằng các chi của Spinosaurus cùng cái đuôi của nó rất kém hiệu quả để sử dụng như những mái chèo khi bơi, trong khi cánh buồm trên lưng lại sẽ tạo ra nhiều trở lực hơn là hỗ trợ cho việc bơi. Họ tin rằng Spinosaurus cũng giống như các loài họ hàng của nó thích săn mồi bằng cách rình rập dọc bờ nước hơn là bơi theo con mồi dưới nước. Tất nhiên, chúng ta vẫn sẽ phải chờ thêm những bằng chứng rõ ràng hơn để kết luận ai là người đúng, nhưng rõ ràng là khả năng bơi lội của Spinosaurus vẫn chưa được chứng minh một cách cụ thể. Mọi thứ vẫn còn bỏ ngỏ phía trước.

Thế nhưng không lâu sau đó, một phát hiện đáng kinh ngạc đã chính thức khiến Spinosaurus đánh mất ngôi vị quán quân môn bơi lội trong thế giới khủng long. Đó là khi nhóm các nhà khoa học quốc tế công bố một loài khủng long mới được khai quật từ hệ tầng Barun Goyot, Mông Cổ. Trên thực tế, đây chỉ là một loài khủng long nhỏ bé có kích thước tương đương một con vịt thời nay. Nó có gì để soán ngôi Spinosaurus?

Được định danh là Natovenator polydontus, có niên đại khoảng 72 đến 71 triệu năm trước, tức vào Thế Phấn Trắng muộn, hóa thạch của loài khủng long này bao gồm một bộ xương còn nhiều phần dính liền với nhau và một hộp sọ gần như hoàn chỉnh. 

Natovenator polydontus có mõm dài và xương sườn uốn ra sau, phù hợp với việc bơi lặn và bắt cá.

Khi nghiên cứu bộ xương này, các nhà cổ sinh vật học đã rất thích thú khi phát hiện những đặc điểm tương đồng với các loài thủy cầm còn sống ngày nay ở N. polydontus. Nó sở hữu một cái mõm dài có nhiều răng, rất phù hợp cho việc bắt những con mồi trơn nhẫy dưới nước như cá. Những phân tích về hàm trước cho thấy sự hiện diện của mô-típ thay răng chậm, giúp chúng sở hữu những cái răng to hơn để đớp mồi. Ngoài ra nó cũng có một cái cổ khá dài, mỏm khớp đốt sống cũng vậy. Lỗ mũi của Natovenator nằm lùi về phía sau trên mõm của nó, đồng thời cũng có dạng dài thay vì lỗ mũi tròn. Và đặc biệt nhất, xương sườn của nó có dạng uốn về sau, rất giống xương sườn của các loài chim lặn ngày nay như chim cánh cụt hay thương long. Tất cả những đặc điểm đó đều chỉ về cùng một kết luận: N. polydontus là một loài khủng long cực kỳ thích nghi với việc bơi lặn với những bằng chứng rõ ràng nhất từ trước đến giờ.

Nếu nhìn sơ qua hóa thạch của N. polydontus, bạn có thể nghĩ ngay trông nó rất giống loài vịt ngày nay. Các bản vẽ phục dựng ngoại hình N. polydontus của các họa sĩ cổ sinh cũng cho thấy điều đó. Dù vẫn chưa biết chuyển động bơi chính xác của loài khủng long này là như thế nào, nhưng các nhà khoa học phỏng đoán rằng nó sử dụng cặp chi trước như mái chèo để đẩy thân mình về phía trước trong lúc bơi.

Thật ra, trước N. polydontus, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số loài khủng long khác có những bằng chứng về lối sống bán thủy sinh. Đó là chi khủng long Halszkaraptor, chi điển hình của phân họ Halszkaraptorine mà Natovenator là một thành viên. Tuy nhiên, những bằng chứng này vẫn còn đang gây tranh cãi và nếu chỉ xét riêng khả năng bơi, nhiều khả năng Halszkaraptor không thể nào sánh bằng Natovenator.

Như vậy, không phải bàn cãi, môn bơi trong thế giới khủng long đã có nhà vô địch thật sự, đó chính là N. polydontus. Cũng chính vì thế mà người ta đã đặt cho loài khủng long này danh pháp có nghĩa là thợ săn biết bơi nhiều răng theo tiếng Latin. Về phần Spinosaurus, dù cảm thấy đáng tiếc cho chi khủng long huyền thoại này, nhưng có lẽ chúng ta sẽ cần phải chờ thêm những hóa thạch mới và những bằng chứng mới để có thể khẳng định khả năng bơi lội của chúng.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét