Trên thực tế, có rất nhiều thứ có thể hóa thạch, dù phổ biến nhất vẫn là xương của động vật. Ngoài xương ra, chúng ta có thể tìm thấy da, lông hoặc mô mềm hóa thạch. Ở cấp độ kỳ lạ hơn chút nữa là phân hóa thạch, dấu chân hóa thạch hay hang đào hóa thạch. Tất cả những loại hóa thạch này đều có vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà cổ sinh vật học tìm hiểu về các sinh vật cổ cũng như đời sống của chúng.
Nhưng kỳ lạ nhất trong số này có lẽ là bãi nôn hóa thạch! Bãi nôn hóa thạch là một thứ thật sự có tồn tại và có hẳn thuật ngữ khoa học dành cho chúng, đó là "regurgitalite". Mới khoảng một năm trước, các nhà khoa học đã công bố một bãi nôn hóa thạch có niên đại 150 triệu năm được tìm thấy tại bang Utah, Mỹ. Ban đầu hóa thạch này bị nhầm là hóa thạch của một con vật nào đó, nhưng các nhà khoa học đã nhanh chóng phát hiện ra có gì đó "sai sai" khi những mảnh xương trong hóa thạch này không chỉ đến từ một con vật. Những gì họ tìm thấy có thể là xương của ít nhất một con ếch, một con kỳ giông và nhiều con vật khác chưa xác định. Ngoài ra còn có một số mô mềm đã hóa thạch. Với mật độ tập trung xương của nhiều loài trong một diện tích nhỏ như vậy, họ kết luận rằng đây chính là một bãi nôn hóa thạch của một con vật săn mồi thời tiền sử (cũng chưa xác định, rất có thể là một con cá ăn thịt).
Đây là "bãi nôn" của một con cá nào đó cách đây 150 triệu năm, được tìm thấy tại bang Utah, Mỹ vào năm 2022. Ảnh: John Foster / Yahoo. |
Hay vào tháng Tư vừa rồi, các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc đã công bố một phát hiện thú vị tại thị trấn Đính Hiệu, thành phố Hưng Nghĩa, tỉnh Quý Châu. Đó là một mớ xương hóa thạch lẫn lộn có chứa xương từ các bộ phận khác nhau của ít nhất 3-4 cá thể Keichousaurus hui, một loài bò sát biển sống vào Kỷ Tam Điệp (251-227 triệu năm trước). Khi xem xét kỹ hơn, nhóm nghiên cứu phát hiện những mảnh xương này có ít dấu vết ăn mòn của axit dạ dày hơn thường thấy, đồng thời không có dấu vết của các hợp chất hữu cơ và phosphate thường hiện diện ở các mẫu vật phân hóa thạch. Do đó, họ tin rằng đây là một bữa ăn đang bị tiêu hóa giữa chừng và bị nôn ra bởi một loài săn mồi nào đó sống cùng thời và cùng môi trường với Keichousaurus hui, có thể là một con Nothosaurus hoặc Lariosaurus (cũng là bò sát biển nhưng lớn hơn Keichousaurus).
Regurgitalite - bãi nôn hóa thạch - là một phần của bromalite, tức các hóa thạch có nguồn gốc từ đường tiêu hóa của động vật. Ngoài regurgitalite thì chúng ta còn có coprolite (phân hóa thạch), cololite (vật chất hóa thạch tìm thấy trong ruột) và gastrolite (vật chất hóa thạch tìm thấy trong dạ dày).
Tuy kỳ lạ là vậy nhưng các bãi nôn hóa thạch như vậy chính là tư liệu quý giá giúp các nhà cổ sinh vật học hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa các sinh vật cổ đại, lưới thức ăn trong các hệ sinh thái cổ cũng như hành vi ăn uống của những sinh vật này.
0 Nhận xét