[Mê Khủng Long - Dinophile.vn] Đây là câu chuyện về một ý tưởng kỳ lạ của con người liên quan đến trí thông minh của các loài khủng long.
Có lẽ có nhiều bạn cũng giống như admin của Mê Khủng Long, là fan ruột của bộ truyện tranh Doraemon và biết đến thế giới của các loài khủng long cũng nhờ Doraemon. Có thể nói, khủng long là một đề tài ưa thích của tác giả Fujiko F. Fujio và xuất hiện khá nhiều trong các chương truyện lẻ, đồng thời là chủ đề chính của hai tập truyện dài. Bên cạnh tập truyện dài đầu tiên Chú khủng long của Nobita, tập truyện dài Nobita và hiệp sĩ rồng xuất bản vào cuối năm 1986 đầu năm 1987 cũng là tập truyện được rất nhiều người yêu thích.
Cốt truyện cơ bản của Nobita và hiệp sĩ rồng đó là nhóm bọn của cậu học sinh lớp 3E vô tình phát hiện ra khủng long chưa hề tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm trước mà bằng cách nào đó, vẫn tiếp tục sinh sống và phát triển trong lòng Trái đất, tiến hóa thành những sinh vật có trí tuệ bậc cao và xây dựng được cả một nền văn minh tiên tiến, thân thiện với môi trường hơn con người chúng ta rất nhiều. Có thể nói, đây là một cốt truyện hết sức độc đáo, tuy nhiên những ý tưởng như Trái đất rỗng hay khủng long có thể tiến hóa thành sinh vật thông minh như người không phải là ý tưởng gốc của tác giả. Thực chất, đó là những giả thuyết khoa học gây tò mò rất nổi tiếng trong những năm trước khi bộ truyện tranh Doraemon ra đời, trong đó ý tưởng người khủng long thông minh đã xuất hiện từ cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980.
Vậy ý tưởng này nổi lên như thế nào và tại sao con người chúng ta lại có suy nghĩ lạ lùng rằng khủng long có thể trở nên thông minh như mình? Chúng ta hãy cùng từ từ tìm hiểu trong bài viết này nhé!
KHÁI NIỆM "NGƯỜI KHỦNG LONG" - DINOSAUROID
Vào cuối thập niên 1960, trong giới cổ sinh vật học đã nổ ra một cuộc cách mạng quan trọng, được gọi là thời kỳ phục hưng khủng long. Trước đó, chúng ta vẫn thường nhìn nhận khủng long như những loài bò sát máu lạnh to lớn, chậm chạp, nặng nề. Những nghiên cứu và hình ảnh phục dựng khủng long dường như hoàn toàn lậm vào lối mòn này cho đến khi các nghiên cứu mới, với những quan điểm hoàn toàn mới và khác biệt về khủng long được các nhà nghiên cứu như John Ostrom hay Robert Bakker đề xuất, cho rằng khủng long thực chất chính là những động vật máu nóng, năng động, tương tự với động vật có vú và chim hiện đại. Hơn nữa, các nhà khoa học này cũng khẳng định mối liên hệ giữa chim và khủng long, cho rằng chim chính là những hậu duệ trực tiếp của khủng long vốn là một quan điểm từng được một số nhà khoa học thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đề xuất rải rác trước đó nhưng không nhận được nhiều sự ủng hộ.
Cuộc cách mạng này đã thay đổi sâu sắc tư duy của con người về khủng long, về mọi khía cạnh liên quan đến chúng như sinh lý học, sinh thái học, hành vi, quá trình tiến hóa và sự tuyệt chủng. Hình dung của chúng ta về ngoại hình và trí tuệ của khủng long cũng chuyển biến mạnh mẽ.
Năm 1982, bốn năm trước khi tập truyện Nobita và những kỵ sĩ rồng ra đời, nắm bắt xu hướng thay đổi tư duy về khủng long mạnh mẽ đang diễn ra, một giám tuyển của Bảo tàng Quốc gia Canada tên là Dale Alan Russell đã nêu ra một ý tưởng khá lạ lùng: đó là khủng long hoàn toàn có thể trở thành những động vật có trí tuệ bậc cao và xây dựng được nền văn minh riêng giống như con người, nếu chúng không tuyệt chủng. Russell đã vẽ ra lộ trình tiến hóa khả dĩ dành cho Stenonychosaurus, một chi khủng long thuộc họ Troodontidae có niên đại khoảng 76 triệu năm trước, để cuối cùng những con khủng long này có thể trở thành những sinh vật có trí tuệ và cấu tạo cơ thể gần giống như con người, gọi là dinosauroid mà chúng ta có thể tạm dịch là "người khủng long".
Người khủng long theo hình dung của Dale Alan Russell. |
Nói là ý tưởng lạ lùng, nhưng nó cũng có những cơ sở khoa học nhất định. Sở dĩ Russell chọn Stenonychosaurus cũng như họ khủng long Troodontidae vì ông nhận thấy có sự gia tăng về chỉ số phát triển não bộ ở họ khủng long này theo niên đại địa chất. Khi nghiên cứu hộp sọ khủng long thuộc họ Troodontidae đầu tiên, Russell nhận thấy tuy não bộ của nó còn kém phát triển nếu so với con người, nhưng so với các loài khủng long khác nó có thể thông minh hơn gấp 6 lần. Ông cũng cho rằng nếu xu hướng tiến hóa này tiếp diễn, hộp sọ của những con khủng long này có thể đạt thể tích 1.100 cm3, gần tương đương với con người.
Khủng long thuộc họ Troodontidae có ngón tay khá linh hoạt, có thể cầm nắm đồ vật ở mức độ nhất định. Russell cho biết "người khủng long" trong tưởng tượng của ông cũng sẽ giống như khủng long Troodontidae, có đôi mắt to và ba ngón tay trên mỗi bàn tay, đồng thời sở hữu mỏ không răng. Về việc sinh nở, Russell tin rằng "người khủng long" cũng sẽ giống như bò sát và chim, có cơ quan sinh dục trong, nhưng không đẻ trứng nữa mà mang thai, có nhau thai như người vì cần hỗ trợ cho hộp sọ lớn. Dù vậy, "người khủng long" không có tuyến vú nên sẽ cho cá thể sơ sinh ăn bằng cách thức ăn đã tiêu hóa được nôn ra. Ngôn ngữ của "người khủng long" sẽ nghe giống tiếng chim hót.
Trong truyện, khi cô bạn người khủng long dẫn nhóm bạn Nobita đến bảo tàng của thế giới người khủng long thì Suneo cũng nói rằng, tổ tiên của người khủng long chính là khủng long Troodon, khá giống ý tưởng của Dale Alan Russell bởi Stenonychosaurus trong suốt một thời gian dài vẫn bị nhầm lẫn với khủng long Troodon, một phần vì chúng cũng cùng một họ khủng long nữa.
Tuy nhiên, trí tưởng tượng của Dale A. Russell và những người ủng hộ ông đã nhanh chóng bị các nhà cổ sinh vật học khác dội gáo nước lạnh khi cho rằng "người khủng long" của ông có hình dạng quá giống con người. Một số nhà cổ sinh vật học khác cho rằng nếu tiến hóa và sở hữu trí tuệ, những giống khủng long thông minh như Stenonychosaurus vẫn sẽ giữ cấu tạo cơ thể kiểu theropod của chúng với thân nằm ngang và đuôi dài thay vì đứng thẳng như người, đồng thời thực hiện việc "điều khiển" đồ vật bằng mõm và chân giống như chim hơn là bằng tay như con người.
Đó là những tranh luận trên lý thuyết, vậy còn thực tế thì thế nào?
LIỆU KHỦNG LONG CÓ THỂ THẬT SỰ TRỞ NÊN THÔNG MINH NHƯ NGƯỜI?
Cũng nhờ có thời kỳ phục hưng khủng long và các nghiên cứu mới mà chúng ta biết rằng, ơn trời, không phải tất cả các loài khủng long đều tuyệt chủng. Một bộ phận khủng long đã may mắn tồn tại qua vụ va chạm với tiểu hành tinh và những hậu quả có thể đã kéo dài đến vài năm sau đó của nó để trở thành những động vật mà chúng ta biết là chim ngày nay. Chim ngày nay được coi là hậu duệ trực tiếp của những loài khủng long đã tuyệt chủng 66 triệu năm trước và là thành viên của nhánh động vật được gọi là Dinosauria, tức chim cũng chính là khủng long. Do đó, có thể nói rằng sự tiến hóa ở khủng long, trong đó có não bộ vẫn tiếp tục dưới hình dạng của các loài chim chứ không hề dừng lại như những gì người ta vẫn mặc định nghĩ trước đây. Vậy kết quả của quá trình đó như thế nào?
Trong thế giới động vật hiện tại, ngoại trừ con người ra, một trong những động vật thông minh nhất chính là một loài chim. Cái tên này có thể khiến bạn bất ngờ, nhưng loài chim đó chính là quạ, sinh vật mà chúng ta vẫn cho là thường đem lại vận đen cho con người. Trong rất nhiều bảng xếp hạng trí thông minh dành cho động vật, quạ luôn nằm trong top 10, thậm chí là top 2 và top 3 bên cạnh các loài động vật có vú. Ngoài quạ ra thì các loài chim cũng có thể góp thêm 1-2 gương mặt khác như bồ câu hoặc vẹt, nhưng quạ luôn được đánh giá cao nhất.
Quạ, một trong các hậu duệ của khủng long cổ đại, là loài rất thông minh. |
Chắc hẳn nói đến trí thông minh của loài quạ, các bạn sẽ nhớ đến câu chuyện con quạ khát nước đã từng được nghe kể khi còn nhỏ. Vâng, chuyện loài quạ biết vận dụng các sự vật trong tự nhiên để làm lợi cho chúng, thậm chí chế tạo và sử dụng công cụ hoàn toàn có thật. Nhiều loài quạ biết thả con mồi từ trên cao vào vật cứng để làm vỡ lớp vỏ bên ngoài nhằm ăn phần thịt thơm ngon bên trong. Trong khi đó, loài quạ ở New Caledonia biết dùng que để bắt côn trùng. Chúng sẽ ngậm que trong mỏ, chọc vào tổ côn trùng cho đến khi lũ côn trùng cắn chặt vào que để tự vệ. Lúc đó, nó sẽ rút que ra và thưởng thức con mồi. Chúng thậm chí còn biết chọn những cái que có dạng móc để dễ bắt mồi hơn, hay làm ra những công cụ bắt mồi dài hơn từ những thứ ngắn, rất giống với họ hàng gần của chúng ta là tinh tinh.
Một đặc điểm khác mà quạ chia sẻ với con người chúng ta cũng như một số động vật thông minh khác, theo nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học Derek Bickerton, là tính dịch chuyển về ngôn ngữ - "linguistic displacement". Chúng có khả năng thông báo cho nhau và một sự vật hay sự việc không hiện diện ngay tại chỗ mà là ở một nơi khác, một thời điểm khác, chẳng hạn như đó là xác một con vật mà chúng muốn rủ nhau đến để cùng đánh chén.
Năng lực giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo cũng là một thế mạnh của loài quạ. Trong một thí nghiệm diễn ra vào năm 1995 với sự tham gia của năm con quạ, người ta treo một miếng thịt bằng chỉ lên trên một cành cây. Nếu muốn lấy miếng thịt, lũ quạ phải đậu trên cây, một mặt vừa dùng mỏ kéo sợ chỉ lên, mặt khác phải dùng chân giẫm lên đoạn chỉ đã kéo để thu ngắn sợi chỉ, đến khi khoảng cách đủ gần để nó dùng mỏ cắp miếng thịt. Có đến 4 trong 5 con quạ thành công mà chúng còn không thèm dùng đến phương pháp thử và sai. Điều này chứng tỏ chúng có khả năng chiêm nghiệm và sáng tạo ra phương pháp, dù vẫn còn ở mức độ tương đối đơn giản.
Và còn rất nhiều thí nghiệm cũng như quan sát khác chứng minh trí thông minh của loài quạ, chẳng hạn như lợi dụng động vật khác, ghi nhớ địa điểm bản thân giấu thức ăn hay con quạ khác giấu thức ăn, thậm chí đánh lừa nhau bằng cách tạo nơi cất giấu giả. Và một người bạn của tôi từng sống ở Nhật, nơi lũ quạ sống trên đường phố khá phổ biến kể lại rằng, lũ quạ cũng biết ghi thù và trả thù nếu có bất kỳ ai chơi khăm chúng.
Những điều đó chứng minh chim có thể rất thông minh, thông minh hơn so với những tổ tiên khủng long của chúng. Tuy nhiên, không may cho những loài khủng long hiện đại này là trong cuộc đua trí tuệ, chúng đã thất thế so với loài động vật có vú hàng đầu là con người chúng ta. Nhân loại hiện nay đang là chủng loài thống trị Trái đất và liệu chúng ta có chấp nhận việc một giống loài khác có thể phát triển trí tuệ thông minh giống mình không? E là không, và nếu như các loài khủng long hiện đại muốn trở thành chủng loài thông minh bậc cao thống trị thế giới thì có lẽ, chúng cần một thế giới mới, nơi không có sự hiện diện của con người chúng ta, chẳng hạn như thế giới dưới lòng đất trong truyện Doraemon vậy.
0 Nhận xét