PHÁT HIỆN BÃI NÔN HÓA THẠCH 66 TRIỆU NĂM TẠI ĐAN MẠCH

[Mê Khủng LongMột thợ săn hóa thạch tại Đan Mạch tên là Peter Bennicke vừa có một phát hiện bất ngờ: bãi nôn hóa thạch của một sinh vật biển cách đây 66 triệu năm trước.

Hóa thạch này "thực sự là một phát hiện phi thường," theo Jesper Milàn, nhà cổ sinh vật học và là người phụ trách tại Bảo tàng Địa chất Faxe.

Mọi chuyện bắt đầu khi Bennicke tìm thấy một số mảnh đá kỳ lạ trên đảo Zealand của Đan Mạch tại Stevns Klint, một vách đá ven biển giàu hóa thạch và cũng là một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Ông mang những mảnh đá này đến Bảo tàng Địa chất Faxe, nơi các chuyên gia xác định chúng là các mảnh hóa thạch của huệ biển. Huệ biển là những động vật thủy sinh trông giống như thực vật, có họ hàng với sao biển và nhím biển.

Bãi nôn hóa thạch mà Peter Bennicke đã phát hiện.

Theo quan sát của các nhà khoa học, trong hóa thạch do Bennicke phát hiện, các phần khó tiêu của huệ biển được bao bọc trong đá vôi. Họ xác định đây là một bãi nôn tiền sử đã hóa thạch, thuật ngữ khoa học gọi là "regurgitalite".

Về lý thuyết, con huệ biển này dường như đã không đi vào trong dạ dày "tác giả" của bãi nôn, vì "các cạnh của hóa thạch vẫn còn rất rõ nét" (chưa bị axit dạ dày tiêu hóa), theo Paul Olsen, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Columbia, người không tham gia nghiên cứu, nói với đài NPR. Vì lý do này, Olsen gọi đó là "tống xuất dạ dày" hơn là nôn thật sự. Nhưng đó vẫn là một hóa thạch bãi nôn "đặc biệt đẹp".

Phát hiện giúp các nhà cổ sinh vật học tìm hiểu mối quan hệ giữa các sinh vật trong hệ sinh thái cổ đại, nói nôm na là "loài nào đã ăn loài nào" cách đây 66 triệu năm. Milàn nghi ngờ rằng con vật đã ăn huệ biển vào thời gian đó là một con cá mập sống dưới đáy biển với răng nghiền thay vì răng sắc nhọn, theo phóng sự của Victor Mather thực hiện New York Times.

Tuy nhiên, huệ biển "không phải món ăn ngon, vì chúng gần như chỉ có xương," ông giải thích với Mather. "Vì vậy, chúng ăn những gì có thể và nôn ra phần còn lại."

Nhiều loài cá mập đã sống sót sau vụ va chạm Chicxulub để tiếp tục tiến hóa thành các loài cá mập hiện đại, và ngày nay, họ hàng gần nhất của con cá mập mà Milàn nghi ngờ đã ăn huệ biển có lẽ là loài cá mập Port Jackson (Heterodontus portusjacksoni) ở Úc.

Bãi nôn hóa thạch này được chỉ định là một "Danekræ," một thuật ngữ đặc biệt của chính phủ Đan Mạch dành cho các vật thể được phát hiện ở Đan Mạch có giá trị lịch sử tự nhiên đáng kể. Tính đến nay, hơn 1.000 phát hiện đã được xác định là Danekræ, và theo yêu cầu của luật pháp Đan Mạch, người phát hiện phải giao nộp chúng cho một bảo tàng lịch sử tự nhiên trong nước.

Mặc dù đây có thể là "bãi nôn nổi tiếng nhất thế giới," như Milàn nói với BBC, nhưng thực tế nó không phải là bãi nôn cổ nhất. Danh hiệu đó thuộc về bãi nôn của một con ngư long 160 triệu năm tuổi được phát hiện ở Anh vào năm 2002, theo sách kỷ lục Guinness.

Nguồn: Margherita Bassi, "Fossil Hunter Discovers 66-Million-Year-Old Vomit in Denmark, Offering a Clue to the Cretaceous Food Chain" / Smithsonian Magazine.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét