[Mê Khủng Long - Dinophile.vn] Chúng ta thường nghĩ đến T. rex với hình ảnh một loài khủng long bá đạo và hung dữ, thống trị muôn loài khủng long. Nhưng thực tế không hề đơn giản như vậy.
LÀM VUA KHÔNG HỀ DỄ DÀNG
Được coi là vị vua trong thế giới khủng long, thường xuất hiện trên phim vô cùng ấn tượng và bá đạo, nhiều người chúng ta tưởng rằng trong tự nhiên, sự thống trị của T. rex như một lẽ đương nhiên phải diễn ra vậy. Nhưng các bằng chứng hóa thạch chỉ ra rằng, để có được ngôi vị ấy, mỗi cá thể T. rex phải trải qua một cuộc đời không lấy gì dễ dàng. Đó chính là hàng loạt những tổn thương mà người ta tìm thấy trên các cá thể T. rex có bộ xương hóa thạch còn tương đối nguyên vẹn.
T. rex chiến đấu với Triceratops. Tranh của arvalis / DeviantArt. |
Mùa hè năm 1990, một nhà thám hiểm nữ người Mỹ tên là Sue Hendrickson đã có một phát hiện quan trọng trong lịch sử ngành cổ sinh vật học ở Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung. Trong lúc xem xét một vách đá ở miền Nam Dakota, bà đã phát hiện ra dấu vết của một bộ xương khủng long khổng lồ. Cuộc khai quật sau đó đã hé lộ đây là bộ xương hóa thạch còn tương đối nguyên vẹn của một cá thể khủng long bạo chúa. Những nghiên cứu tiếp theo cho thấy đây là bộ xương T. rex có độ nguyên vẹn cao nhất từ trước đến giờ, với tổng cộng 250 chiếc xương trên tổng số 380 chiếc xương người ta đã biết trên cơ thể của một con T. rex - gần như là một bộ xương đầy đủ.
Chính độ hoàn chỉnh cao như vậy đã giúp các nhà khoa học có nhiều cơ hội hơn để tìm hiểu về đời sống của một con T. rex. Sau hơn 30.000 giờ xử lý hóa thạch với một đội ngũ gồm 12 người, toàn thể bộ xương của con khủng long - lúc này được đặt tên là Sue, theo tên của người phát hiện - mới sẵn sàng để các nhà khoa học xem xét kỹ lưỡng. Dựa trên các vòng phát triển của xương (giống như vòng tuổi của cây), các nhà khoa học ước chừng Sue đã đạt đến độ tuổi là 28 - là cá thể T. rex có tuổi đời lớn nhất được tìm thấy đến trước khi người ta một cá thể khác lớn tuổi hơn là Trix (ít nhất là 30) vào năm 2013.
Những vết tích trên bộ xương cũng hé lộ một cuộc đời khốc liệt mà có lẽ cũng không bộ phim hay cuốn truyện nào của con người có thể lột tả hết. Cụ thể, Sue bị một chấn thương nặng ở vùng vai, dẫn đến xương bả vai bị tổn thương. Ở tay phải từng có một cái gân bị đứt, có lẽ là kết quả của một cuộc giằng co với con mồi. Chưa hết, nó còn có ba cái xương sườn bị gãy (nếu không phải là do một tai nạn, thì kẻ có thể khiến ba cái xương sườn của một con T. rex bị gãy nhiều khả năng là một con T. rex khác hoặc một con khủng long ăn thực vật mạnh mẽ như Triceratops). Tuy nhiên, may mắn là những vết thương này đã lành sau đó, thể hiện qua những dấu vết trên xương, chứng tỏ Sue đã vượt qua được khoảng thời gian khó khăn.
Không chỉ chiến đấu với con mồi vì cái ăn, Sue có thể đã từng phải "so tài" với những con T. rex khác, mục đích có lẽ là cạnh tranh quyền lực trong đàn hay giành quyền giao phối nếu là đực, khi trên mặt nó có những dấu vết giống vết răng của những cá thể cùng loài. Phần cuối xương sọ có tổn thương giống như do một vết cắn nguy hiểm để lại. Với vị trí và mức độ như vậy, rất có thể tác giả của vết cắn là một con T. rex (tuy nhiên các nghiên cứu sau đó cho rằng vết thương này là do bị những con khủng long khác giẫm phải sau khi Sue qua đời). Dù sao thì khi bạn là "vua", rất có thể bạn sẽ phải chiến đấu với những đồng loại muốn dòm ngó ngai vàng của mình. Bằng chứng trên các bộ xương T. rex hóa thạch khác cũng cho thấy những cuộc chiến cùng loài ở T. rex hết sức phổ biến.
Bộ xương Sue the T. rex được trưng bày tại Bảo tàng Field ở Chicago. Ảnh: Field Museum. |
Một cuộc chiến khác, nhưng ở cấp độ vi mô, chính là cuộc chiến với bệnh tật. Trên bộ xương của Sue, người ta đã tìm thấy bằng chứng của những loại bệnh khác nhau, chẳng hạn như nhiễm khuẩn, viêm tủy xương, viêm khớp và gout. Những vết tròn trên hàm dưới của Sue từng được diễn giải là do một loại ký sinh trùng tên là trùng mảng uốn roi đuôi gây ra. Loại ký sinh trùng này ở trên chim thường gây sưng cổ khiến con vật không ăn được và chết đói (nhưng mới đây giả thuyết này đã bị một nghiên cứu bác bỏ). Nhìn chung, có lẽ Sue đã trải qua những ngày không lấy gì làm dễ chịu cho lắm vì bệnh tật trước khi từ giã cõi đời.
Những dấu vết tương tự trên các cá thể T. rex khác cho thấy đây là những hiện tượng phổ biến chứ không chỉ của riêng một cá thể nào. Stan, bộ xương T. rex đắt giá nhất thế giới (31,8 triệu đô-la) cũng có rất nhiều chiếc xương bị gãy và đã lành. Nếu không may mắn bị nhiễm trùng nặng từ những vết cắn, chúng có thể là nguyên nhân dẫn tới cái chết của T. rex, giống như trường hợp được xác định trên một cá thể T. rex được gọi là Victoria.
Rõ ràng là con đường trở thành một vị vua, dù là đối với con người hay đối với động vật như T. rex cũng đều là một con đường đầy chông gai. Những thách thức luôn rình rập và chực chờ để đánh gục bạn, nếu bạn không thể đứng vững.
T. REX CÓ MỘT ĐỜI SỐNG XÃ HỘI TƯƠNG ĐỐI PHONG PHÚ
Cái tên khủng long bạo chúa dễ mang đến hình dung một vị vua độc đoán nhưng cô đơn ngồi trên ngai vàng, thích ra lệnh xử ai thì xử, kiểu “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Trên phim ảnh, loài khủng long ăn thịt hùng mạnh bậc nhất tại khu vực Bắc Mỹ cũng thường được thể hiện như những kẻ đơn độc.
Tuy nhiên, những bằng chứng cổ sinh vật học gần đây cho thấy, rất có thể, T. rex có một đời sống xã hội phức tạp hơn những gì chúng ta hình dung rất nhiều.
Năm 2014, một nhân viên của Cục Quản lý Đất đai Hoa Kỳ tên là Alan Titus đã bất ngờ phát hiện hóa thạch của một nhóm khủng long thuộc liên họ khủng long bạo chúa, thuộc chi Teratophoneus. Chúng là chi khủng long có họ hàng khá gần với chi khủng long bạo chúa, sống cách đây khoảng 76,1-74 triệu năm. Điều quan trọng là người ta đã phát hiện hóa thạch của tổng cộng 4-5 cá thể khủng long thuộc chi này ở cùng một chỗ, cho thấy rất có thể chi khủng long này có hành vi đi săn theo bầy.
Có nhiều bằng chứng cho thấy T. rex là loài sống và săn mồi theo bầy nhỏ (dưới 20 cá thể). |
Trước đó, các nhà khoa học cũng đã những phát hiện tương tự với những chi khủng long khác thuộc liên họ khủng long bạo chúa như Albertosaurus hay Daspletosaurus. Dù chưa có bất kỳ phát hiện nào như thế ở các cá thể T. rex, nhưng sự hiện diện của hành vi sống theo bầy ở các loài cùng họ cho thấy không phải không có khả năng T. rex cũng là loài sống theo bầy (có thể là bầy nhỏ khoảng 10-20 cá thể đổ lại).
Một bằng chứng khác về đời sống xã hội ở T. rex, như đã nói ở phần trên, chính là những dấu răng của các cá thể cùng loài để lại trên hộp sọ của chúng. Trong một nghiên cứu được công bố hồi giữa năm, dựa trên 202 mẫu vật đến từ hộp sọ của các cá thể thuộc liên họ khủng long bạo chúa khác nhau, các nhà khoa học kết luận rằng khi đến độ tuổi sinh sản, các loài thuộc liên họ này thường xuyên có những va chạm với nhau nhằm giành quyền giao phối. Ngoài ra, cũng không loại trừ đó là dấu vết của những cuộc cạnh tranh về mặt quyền lực trong đàn, khi một cá thể trẻ hơn, mạnh mẽ hơn thách thức vị trí của con đầu đàn hiện tại.
Một bằng chứng nữa được thể hiện qua sự phục hồi của những vết thương trên các cá thể T. rex. Chẳng hạn như Sue the T. rex, trên người nó xuất hiện dấu vết của những vết thương khá nghiêm trọng chẳng hạn như gãy xương sườn mà nếu sống đơn độc ngoài tự nhiên, rất có thể con vật đã chết vì gặp khó trong việc kiếm ăn hay bị những kẻ thù khác tấn công. Nhưng tất cả đều đã hồi phục mà không làm nó bị chết. Đó có thể là bằng chứng cho thấy nó đã được chăm sóc, hỗ trợ bởi những cá thể T. rex khác trong việc tìm kiếm thức ăn và cung cấp sự bảo vệ.
Cuối cùng, T. rex có thể là những bậc cha mẹ rất tuyệt vời, bảo vệ con cái một cách chặt chẽ đến khi chúng trưởng thành. Điều này có thể lý giải tại sao có rất ít hóa thạch T. rex chưa trưởng thành được tìm thấy so với nhiều loài khủng long khác. Đó có thể là do phần lớn T. rex non sau khi nở ra sẽ sống đủ lâu để đạt độ tuổi trưởng thành, đều mà chúng chỉ có thể làm được nếu có sự chăm sóc và bảo vệ từ các bậc sinh thành.
Tất nhiên khủng long vẫn chỉ là khủng long, nhưng từ những bằng chứng trên, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng T. rex là một loài động vật có trí thông minh ở mức cao so với thời đại của chúng, cũng như những mối quan hệ xã hội không hề đơn giản. Điều đó có lẽ đã góp một phần quan trọng vào sự thống trị của T. rex trong khoảng thời gian lên đến hai triệu năm, với những ước tính cho rằng từng có đến cả tỷ cá thể T. rex lang thang trên Trái đất trong thời đại của chúng.
T. REX, MỘT BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA
Nhà cổ sinh vật học Robert Bakker từng gọi T. rex là “con khủng long nổi tiếng nhất đối với mọi người, bất kể lứa tuổi, bất kể nền văn hóa, bất kể quốc tịch”. Rất khó để bạn có thể phản bác nhận định này và đưa ra một cái tên khác có sức nặng hơn. T. rex gần như đã đặt ra những tiêu chuẩn trong hình dung của công chúng về khủng long. Nếu bạn không tin, hãy thử dùng AI và ra lệnh cho AI vẽ một con khủng long, 90% con khủng long do nó vẽ ra sẽ lấy cảm hứng từ T. rex.
T. rex trong poster phim The Lost World (1925) của đạo diễn Willis O'Brien. |
Kể từ khi được tìm thấy vào năm 1902 và được đặt tên 1905, T. rex không mất nhiều thời gian để chiếm được sự tò mò và cảm tình của công chúng. Vào năm 1925, khi đạo diễn bộ phim The Lost World chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Arthur Conan Doyle, dù con khủng long ăn thịt chính trong tiểu thuyết gốc là một con Allosaurus, đạo diễn Willis O’Brien vẫn có quyết định lịch sử là thay Allosaurus bằng T. rex để giúp bộ phim khuấy động dư luận và thu hút khán giả đến xem phim hơn. Dù đối với Allosaurus mà nói, đây là một màn cướp vai trắng trợn nhưng có lẽ, sẽ không ai phàn nàn cả bởi màn xuất hiện của T. rex đã giúp bộ phim ghi điểm mạnh với khán giả, thu về số tiền gấp đôi kinh phí làm phim.
Thành công của The Lost World biến bộ phim này thành bom tấn có chủ đề khủng long đầu tiên trên thế giới, đồng thời cũng trở thành bộ phim đầu tiên trong lịch sử được chiếu cho hành khách trên một chuyến bay. Và các bạn biết không, các khán giả trong chuyến bay đó đã phải mạo hiểm để xem bộ phim này bởi chiếc máy bay có thân chính được làm bằng gỗ và vải là chủ yếu, trong khi cuộn phim được làm từ nitrat, có nguy cơ cháy nổ rất cao. Nếu có chuyện gì xảy ra, có khi The Lost World và T. rex thậm chí còn được nhớ đến hơn nữa.
Kể từ đó, cái tên T. rex không ngừng bay cao, trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng, xuất hiện trong vô số tiểu thuyết, truyện tranh và phim ảnh, đặc biệt là Jurassic Park cũng như các phần hậu truyện về sau. Đồng thời, nó còn kéo theo cả những sản phẩm ăn theo với doanh số siêu khủng, tạo ra doanh thu lên đến cả tỷ đô-la.
Và như vậy, nói đến khủng long thì không thể không nói đến T. rex.
0 Nhận xét