KHỦNG LONG CHÂU Á (PHẦN 1): ĐÔNG NAM Á

[Mê Khủng Long - Dinophile.vn] Ở Việt Nam chưa từng tìm thấy hóa thạch khủng long, nhưng còn ở các nước láng giềng Đông Nam Á thì sao?

>> Xem thêm: Toàn bộ mini series KHỦNG LONG CHÂU Á

LỊCH SỬ KHÁM PHÁ HÓA THẠCH KHỦNG LONG Ở ĐÔNG NAM Á

Vào năm 1842, thuật ngữ "dinosaur" tức khủng long chính thức ra đời và kể từ đó, con người chúng ta bắt đầu tìm thấy khủng long trên khắp thế giới. Có một số lượng không nhỏ những phát hiện mang tính tình cờ thay vì bắt nguồn từ những cuộc tìm kiếm có chủ đích, và ở Đông Nam Á, việc tìm thấy hóa thạch khủng long đầu tiên cũng diễn ra như vậy. Khi chủ nghĩa thực dân xâm nhập vào khu vực này và bắt đầu công cuộc khai thác... à nhầm khai hóa của mình, họ buộc phải tổ chức những chuyến khảo sát, thám hiểm, nhằm mục đích nghiên cứu khoa học thì ít mà để vẽ bản đồ, đánh dấu vị trí tài nguyên nhằm đào xúc múc và chở về chính quyền thì nhiều. 

Minimocursor phunoiensis, cái tên mới nhất gia nhập danh sách các loài khủng long được phát hiện ở Đông Nam Á. Nguồn: Manitkoon et al.

May mắn là trong một chuyến đi như vậy vào năm 1936, nhà địa chất học người Pháp Josué-Heilman Hoffet đã phát hiện ra nhiều hóa thạch khủng long khác nhau, có thể coi là những hóa thạch khủng long được tìm thấy sớm nhất tại Đông Nam Á. Và điều thú vị là sau khi khai quật, người Pháp đã chuyển những hóa thạch này về Hà Nội để nghiên cứu và mô tả. Chúng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, và hiện đang được cất giữ và trưng bày ngay tại Bảo tàng Địa chất Việt Nam ở Hà Nội. Những hóa thạch này được Hoffet nghiên cứu, mô tả và xác định là một loài mới thuộc chi khủng long Titanosaurus, với danh pháp khoa học là Titanosaurus falloti. Nhưng về sau danh pháp này bị xếp vào diện nghi ngờ, và những hóa thạch Hoffet tìm thấy được cho là thuộc về loài được xác định sau đó, Tangvayosaurus hoffeti, dù vẫn chưa chắc chắn hoàn toàn.

Sau những hóa thạch được phát hiện tại Lào bởi những chuyến khảo sát của Hoffet vào cuối thập niên 1930 và đầu thập niên 1940 thì đến thập niên 1980, ngành cổ sinh tại đất nước láng giềng của Lào là Thái Lan bắt đầu liên tục "nổ jackpot" với các hóa thạch khủng long được phát hiện nối tiếp nhau, đưa Thái Lan trở thành quốc gia phát hiện nhiều hóa thạch khủng long nhất trong khu vực, với số loài hiện nay lên đến 13 loài lớn có, nhỏ có. Mới nhất là Minimocursor phunoiensis, loài khủng long nhỏ dễ thương vừa được mô tả và công bố vào đầu tháng này với hóa thạch là một bộ xương có độ nguyên vẹn thuộc loại tốt trong số các hóa thạch được tìm thấy trên toàn Đông Nam Á.

Josué Heilman Hoffet, nhà địa chất học người Pháp, cũng là người đầu tiên tìm thấy hóa thạch khủng long ở Đông Nam Á. Ảnh: Wikimedia Commons.

Ngành cổ sinh ở Lào cũng tiếp bước Thái Lan khi phát hiện hóa thạch khủng long sauropod ở bản Tangvay, tỉnh Savannakhet. Năm 1999, một nhóm nghiên cứu người Pháp do Ronan Allain dẫn đầu đã mô tả và đặt danh pháp khoa học cho loài khủng long sauropod mới phát hiện tại Lào là Tangvayosaurus hoffeti, vừa đề cập đến địa điểm khám phá hóa thạch vừa vinh danh Hoffet, người đầu tiên tìm thấy hóa thạch khủng long tại Đông Nam Á. Tiếp đó, vào năm 2010 các nhà nghiên cứu lại phát hiện hóa thạch của một loài khủng long ăn thịt lớn thuộc họ đại long xương gai ở Lào. Năm 2012, nó được đặt danh pháp khoa học là Ichthyovenator laosensis, có nghĩa là "khủng long săn cá Lào".

Ngoài Lào và Thái Lan, hóa thạch khủng long cũng được xác nhận đã tìm thấy ở Myanmar, Malaysia và gần đây nhất là Campuchia. Tuy nhiên, tình trạng bảo quản và mức độ chi tiết của những hóa thạch này không đủ để xác định loài. Do đó, có thể nói Lào và Thái Lan là hai quốc gia Đông Nam Á hiếm hoi hiện nay có loài khủng long đã được xác định với danh tính rõ ràng và đầy đủ. 

Dù số lượng khám phá còn ít ỏi, nhưng cũng đủ để cho thấy bức tranh khủng long ở Đông Nam Á khá đa dạng. Tranh của Zhao Chuang.

Với tổng cộng 15 và có thể là 16 loài đã được phát hiện, có thể thấy rằng dù chưa thật sự nhiều như những điểm nóng trên thế giới về hóa thạch khủng long nhưng điều đó cũng cho chúng ta hình dung ban đầu về một hệ sinh thái thời đại khủng long khá phong phú ở Đông Nam Á. Chúng ta có những con sauropod cổ dài như Tangvayosaurus, Phuwiangosaurus. Chúng ta có những con theropod thuộc họ đại long xương gai chuyên ăn cá như Siamosaurus, Ichthyovenator. Chúng ta có những cái tên săn mồi cỡ trung bình như Siamotyrannus, Vayuraptor hay Phuwiangvenator. Chúng ta có những con khủng long hông chim như Ratchasimasaurus, Sirindhorna. Chúng ta còn có cả loài chạy nhanh thuộc nhóm Ornithomimosauria như Kinnareemimus. Có thể nói sự thiếu vắng lớn nhất đến từ những con khủng long săn mồi thuộc nhóm bạo long có họ hàng với Tyrannosaurus và nhóm khủng long mang giáp Thyreophora của những chi như Ankylosaurus hay Stegosaurus, điều mà chúng ta có thể hy vọng sẽ xuất hiện trong tương lai.

LOÀI KHỦNG LONG TIÊU BIỂU CỦA ĐÔNG NAM Á?

Về cơ bản thì tôi rất thích hai cái tên khủng long ở Lào. Chúng là những phát hiện có độ nguyên vẹn khá cao. Chẳng hạn như khủng long Tangvayosaurus được xác định từ 38 đốt sống đuôi, một đốt sống cổ và một chi sau. Trong khi đó Ichthyovenator có phần hông tương đối hoàn chỉnh cùng một số hóa thạch đốt sống ở cổ và đuôi chưa được mô tả khác. Tangvayosaurus cùng với Phuwiangosaurus ở Thái Lan là hai chi khủng long sauropod cỡ trung bình, có kích thước từ 15-20 mét. Trong khi đó, Ichthyovenator lại là chi đại long xương gai lớn nhất trong khu vực, với chiều dài có thể lên đến trên 10 mét so với khoảng 8m ước tính của Siamosaurus.

Phục dựng ngoại hình của Ichthyovenator laosensis. Tranh của PaleoGeek / Wikipedia.

Trong khi đó, tại Thái Lan, con khủng long có hóa thạch nguyên vẹn nhất từng được tìm thấy là Phuwiangosaurus, với tổng cộng 65% bộ xương của nó đã được mô tả. Cái tên đứng thứ hai là chi khủng long mới phát hiện gần đây, Minimocursor, với khoảng 50% bộ xương được khai quật. Minimocursor chắc chắn cũng sẽ được rất nhiều fan khủng long ở Thái Lan yêu thích nhờ kích thước nhỏ như thú cưng của mình. Ngoài hai cái tên vừa rồi ra thì Kinnareemimus cũng khá đáng chú ý khi là một trong những chi khủng long thuộc nhóm Ornithomimosauria cổ nhất từng được phát hiện trên thế giới, với niên đại khoảng 133 triệu năm. Còn nếu xét trong số các chi khủng long ăn thịt, người Thái chắc sẽ thích cái tên Siamotyrannus, có nghĩa là "bạo chúa Xiêm". Tuy nhiên trên thực tế chi khủng long này lại không có liên quan đến họ bạo long mà cái tên "bạo chúa Xiêm" chỉ được đặt do sự xác định nhầm lẫn ban đầu. Hiện tại, vị trí của Siamotyrannus vẫn chưa được xác định cụ thể trong cây phả hệ của khủng long, chỉ biết rằng nó có thể thuộc họ Allosauridae hoặc là một loài Coelurosauria nguyên thủy.

Một cái tên không thể không nhắc đến đó chính là khủng long có niên đại cổ nhất tại Đông Nam Á, hiện nay tạm được cho là Isanosaurus, với niên đại có thể từ cuối Kỷ Tam Điệp, khoảng 210 triệu năm trước. Chúng thậm chí có thể là một trong những loài sauropod cổ nhất thế giới, tuy nhiên đáng tiếc là những nghiên cứu chi tiết hơn về chi khủng long này vẫn chưa được thực hiện, và người ta chưa biết nhiều về mối quan hệ của Isanosaurus với các nhóm sauropod khác.

Ý NGHĨA CỦA HÓA THẠCH KHỦNG LONG VỚI ĐÔNG NAM Á

Việc phát hiện khủng long không chỉ mang ý nghĩa khoa học, mà còn có những ý nghĩa rất thiết thực khác đối với nền kinh tế của các quốc gia.

Việc phát hiện ra khủng long cũng là một cơ hội không nhỏ để các quốc gia trong khu vực phát triển khoa học và dịch vụ du lịch, nhất là khi những phát hiện đó diễn ra trên một đất nước coi du lịch là mũi nhọn của ngành kinh tế như Thái Lan. Đã có những bảo tàng khủng long được thành lập tại các địa điểm phát hiện ra hóa thạch khủng long ở Thái Lan, đồng thời ngành cổ sinh vật học cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của hoàng gia, nhất là từ phía công chúa Sirindhorn, con gái của cố quốc vương Bhumibol và cũng là em gái của đương kim quốc vương Maha Vajralongkorn hiện tại, với nhiều khoản tài trợ quan trọng. Chính vì thế mà tên của công chúa đã được đặt cho một chi khủng long thuộc siêu họ Hadrosauroidae, đó là Sirindhorna, cũng như một bảo tàng địa chất có nhiều hóa thạch khủng long, Bảo tàng Sirindhorn. Ở tỉnh Khon Kaen, nơi có vườn quốc gia Phuwiang, địa điểm phát hiện hóa thạch của những chi khủng long như Phuwiangosaurus hay Phuwiangvenator, người ta đã xây dựng Công viên Khủng long Si Wiang. Ở Pattaya cũng có Vườn Nhiệt đới Nong Nooch, với bộ sưu tập mô hình khủng long khá đồ sộ. 

Bộ sưu tập mô hình khủng long đồ sộ ở Vườn Nhiệt đới Nong Nooch ở Pattaya, Thái Lan. Nguồn: Klook.

Còn tại Lào, ở tỉnh Savannakhet, người ta cũng đã thành lập một Bảo tàng Khủng long trong khuôn viên Bảo tàng Tỉnh Savannakhet để trưng bày các hóa thạch của Tangvayosaurus cũng như những hiện vật liên quan. Nhiều khách du lịch yêu thích khủng long cho rằng đây là một địa điểm đáng ghé thăm dù trông bảo tàng có hơi cũ kỹ một chút.

Vậy hãy thử tưởng tượng mà xem, nếu Việt Nam phát hiện ra hóa thạch khủng long, đó sẽ là một cơ hội đáng để nắm lấy nhằm quảng bá ngành du lịch nước nhà, nhất là đối với những du khách có niềm đam mê dành cho khủng long. Cũng đáng để hy vọng đúng không nào?

MUỐN XEM HÓA THẠCH KHỦNG LONG "REAL" THÌ XEM Ở ĐÂU CHO GẦN?

Trong lúc chờ đợi Việt Nam phát hiện hóa thạch khủng long thì nếu bạn muốn xem hóa thạch khủng long hàng real, đâu sẽ là những lựa chọn tối ưu nhất về giá thành và khoảng cách? 

Như đã đề cập ở phần đầu thì bạn hoàn toàn có thể xem hóa thạch khủng long tại Việt Nam, ở ngay Bảo tàng Địa chất Hà Nội, với những hóa thạch được cho là của khủng long Tangvayosaurus mà Hoffet đã khai quật từ tận thập niên 1930. Nhưng nếu bạn muốn nhìn thấy thứ gì đó nguyên vẹn hơn, địa điểm gần nhất bạn có thể đi nếu xuất phát từ Hà Nội chính là Lào, tại Bảo tàng Khủng long Savannakhet. Tại đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng các đốt sống của Tangvayosaurus, loài sauropod dài 15m từng lang thang trên vùng đất ngày nay là Lào cách đây hơn 100 triệu năm trước. 

Bên trong Bảo tàng Khủng long ở Savannakhet. Ảnh: Chaoborus / Wikipedia.

Còn nếu bạn xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, hãy cân nhắc những bảo tàng khủng long tại Thái Lan, chẳng hạn như Bảo tàng Sirindhorn, Bảo tàng Hóa thạch Khorat, Bảo tàng Khủng long Phuwiang… 

Tuy nhiên, nếu muốn chứng kiến những bộ xương khủng long nguyên vẹn nhất đang được trưng bày tại Đông Nam Á, hãy đến với Singapore. Mặc dù đảo quốc nhỏ bé này chưa từng phát hiện bất kỳ hóa thạch khủng long nào nhưng tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian, họ đã mua ba bộ xương khủng long thuộc họ Diplodocidae được khai quật tại Mỹ vào các năm 2007 và 2010 với giá lên đến 12 triệu đô-la Mỹ để đem về trưng bày. Các bộ xương có độ nguyên vẹn lên đến 80% và hai trong số đó vẫn còn giữ được hộp sọ, điều hiếm thấy ở các hóa thạch khủng long sauropod. Người ta thậm chí tin rằng đây là một gia đình khủng long hoặc chí ít là những con khủng long chung một bầy đã qua đời và hóa thạch cùng nhau. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét