[Mê Khủng Long TV] Một ngôi làng ở Ấn Độ đã thờ cúng nhiều hòn đá có hình dạng giống trứng trong nhiều năm mà không hề biết rằng, đó thật sự là những quả trứng khủng long hóa thạch!
Các nhà khoa học gần đây đã "ngã ngửa" khi nhận ra những hòn đá được thờ cúng bởi cư dân một ngôi làng ở bang Madhya Pradesh, thuộc lưu vực sông Narmada, Ấn Độ chính là những quả trứng khủng long có niên đại hàng chục triệu năm.
Những hòn đá tâm linh có nguồn gốc đầy bất ngờ. Ảnh: Udayavani. |
Lưu vực sông Narmada, nơi ngôi làng tọa lạc, là một vùng đất được cho là có nhiều loài khủng long sinh sống vào thời cổ đại. Tại ngôi làng này, người ta có truyền thống thờ cúng những hòn đá có dạng tròn, gọi là Kakad Bherav. Chúng được thờ cúng ở rìa các cánh đồng, được xem như những vị thần phù hộ cho các gia đình, bảo vệ mùa màng. Món đồ cúng mà ân làng thường dâng lên "các vị thần" là dừa.
Theo India Today, những quả trứng khủng long được xác định từ loại đá thờ cúng này có đường kính khoảng 18cm và có tình trạng bảo quản tương đối tốt. Các nhà cổ sinh vật học Ấn Độ như Tiến sĩ Mahesh Thakkar, Tiến sĩ Vivek Kapoor và Tiến sĩ Shilpa đã tổ chức một buổi hội thảo để công bố phát hiện đáng kinh ngạc này.
Một số quả trứng sẽ được trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng, trong khi hầu hết các mẫu vật sẽ được nghiên cứu và bảo vệ.
Tuy bất ngờ nhưng dân làng cũng rất hạnh phúc khi biết những hòn đá mà họ thờ cúng là trứng khủng long cổ đại và càng cho rằng truyền thống thờ cúng của họ là vô cùng đúng đắn.
Nguồn: Aditi Sharma, "Stones worshipped by villagers turn out to be fossilised dinosaur eggs" / India Today.
0 Nhận xét