[Mê Khủng Long TV] Những hàng dấu chân của khủng long chân thú (theropod) có thể là bằng chứng gián tiếp về hành vi sử dụng đôi cánh của những loài khủng long phi điểu, theo một nghiên cứu mới.
Trong nghiên cứu này, nhà cổ sinh vật học đang công tác tại Đại học Maryland Thomas Holtz Jr. và các cộng sự đã khảo sát các dấu chân được tạo ra bởi một con khủng long giống chim có kích thước nhỏ, có lẽ khi nó đang di chuyển với tốc độ cao.
Được đặt danh pháp khoa học là Dromaeosauriformipes rarus, nhưng dấu chân này đã có niên đại gần 100 triệu năm (thuộc Kỷ Phấn Trắng) và được bảo quản trong một phiến đá ở Hàn Quốc.
"Con khủng long này rất thú vị - một trong những con khủng long nhỏ nhất mà chúng tôi từng tìm thấy hóa thạch," Tiến sĩ Holtz nói. "Những dấu chân này là một câu đố vì chúng rất nhỏ nhưng lại cách nhau rất xa."
Tranh minh họa của Julius Csotonyi. |
Các nhà cổ sinh vật học nhận thấy con khủng long đã tạo ra các dấu chân Dromaeosauriformipes rarus không chỉ đang chạy trên mặt đất. Có lẽ nó đã vỗ đôi cánh lông vũ của mình để lấy lực nâng, cho phép nó di chuyển nhanh hơn so với việc chỉ dựa vào sức mạnh của đôi chân.
Được gọi là "flap running" (tạm dịch: vừa chạy vừa đập cánh), hình thức di chuyển này nằm giữa việc chạy và bay. "Flap running" sinh ra đủ lực khí động học để nâng con vật lên khỏi mặt đất trong những quãng ngắn - giúp chúng băng qua một cái cây chẳng hạn - nhưng chưa đủ để bay lên hẳn.
Dromaeosauriformipes rarus được xác định thuộc về một con khủng long giống như Microraptor - chi khủng long thuộc họ Dromaeosauridae sống cách đây 120 triệu năm trước, có họ hàng với Velociraptor và chim hiện đại. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu nó có thể bay trong những quãng thời gian dài hơn hay không.
"Bây giờ chúng ta đã có thể bước qua cuộc tranh luận về việc liệu khủng long trước chim có sử dụng chi trước của chúng để di chuyển trước khi khả năng bay ra đời hay không, và bắt đầu khám phá những chi tiết còn thiếu chẳng hạn như khả năng này sẽ có ở những loài nào, cũng như đã được phát triển vào thời điểm nào và đến mức độ nào," theo Tiến sĩ Michael Pittman, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Hồng Kông.
Những dấu chân được khảo sát trong nghiên cứu. |
"Phát hiện của chúng tôi cho thấy con vật tạo ra Dromaeosauriformipes rarus phải chạy khoảng 10,5m/giây để tạo ra các dấu chân này nếu chỉ sử dụng sức mạnh của chi sau," nhà cổ sinh vật học tại Đại học Dakota Alex Dececchi cho biết. "Tốc độ tương đối suy ra từ các dấu chân này cao hơn bất kỳ động vật nào còn tồn tại ngày nay, kể cả đà điểu lẫn báo săn."
"Vì đây là một điều gần như không thể, chúng tôi đặt ra giả thuyết rằng các dấu chân này được tạo ra từ một tốc độ chậm hơn, nhưng con khủng long đã gia tăng sải chân với lực khí động học được sinh ra bằng cách vỗ cánh của nó."
"Những dấu chân này cũng cho thấy con khủng long đang ở giữa việc cất cánh và hạ cánh," Tiến sĩ Holtz bổ sung. "Giống như khi một chiếc máy bay đáp xuống và nảy một chút trên đường băng rồi mới chậm lại."
"Những con khủng long có khả năng bay vẫn chưa thể sở hữu những cấu trúc hỗ trợ bay tinh vi như chim hiện đại. Có lẽ chúng sẽ khá vụng về."
Nguồn: "Microraptorine Dinosaur Footprints Shed New Light on Origin of Flight" / Sci.News.
0 Nhận xét