PHÁT HIỆN LOÀI THƯƠNG LONG MỚI VỚI HÀM RĂNG ĐỘC ĐÁO TẠI MOROCCO

[Mê Khủng LongLoài mới được phát hiện thuộc chi thương long Carinodens và là một loài ăn vỏ/xương cứng (durophagous), thích nghi để nghiền nát các loài động vật không xương có vỏ cứng.

Carinodens là một chi thương long đã tuyệt chủng từ Kỷ Phấn Trắng, được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Những con thằn lằn biển này dài từ 2-3 mét và có răng thấp, hình chữ nhật và co lại.

“Những loài thương long sơ khai ban đầu có răng nhỏ, hình nón và cong, thích nghi để săn mồi nhỏ như cá và động vật chân đầu có thân mềm,” nhà cổ sinh vật học Nicholas Longrich từ Đại học Bath và các cộng sự viết trong bài báo đăng trên trên tập san Diversity. “Đến cuối Kỷ Phấn Trắng, thương long đã tiến hóa để có nhiều hình thái răng đa dạng.”

Tranh phục dựng ngoại hình của một loài trong chi thương long Carinodens.

“Những hình thái này bao gồm răng hình nón lớn để bắt và xé mồi, răng thô để nghiền xương, răng giống dao để đâm và cắt mồi lớn, răng giống cưa để cắt, cũng như răng thấp và to để nghiền nát các loài động vật không xương có vỏ cứng.”

“Một số hình thái răng đặc biệt nhất được thấy ở chi thương long ăn vỏ/xương cứng Carinodens, một loài thương long chuyên biệt xuất hiện trên khắp thế giới trong tầng Maastricht. Carinodens có đặc trưng là kích thước tương đối nhỏ, hàm dài và mảnh, cũng như hình thái răng độc đáo trong nhóm thương long hoặc các động vật có xương sống khác.”

Loài thương mới sống trong tầng Maastricht cuối cùng của kỷ Phấn Trắng, khoảng 67 triệu năm trước. Được đặt tên là Carinodens acrodon, nó cùng tồn tại với hai loài Carinodens phát triển hơn là Carinodens minalmamar Carinodens belgicus. Hóa thạch của nó được tìm thấy tại mỏ phosphate Sidi Chennane ở tỉnh Khouribga của Morocco.

Hóa thạch hàm răng đặc biệt của thương long thuộc chi Carinodens, chuyên dùng để nghiền vỏ cứng.

Carinodens acrodon có đặc trưng là răng có đỉnh cao, đỉnh hình tam giác và đế rộng,” các nhà cổ sinh vật học viết trong bài báo. “Nhiều đặc điểm chẩn đoán của loài này dường như là các đặc điểm nguyên thủy, cho thấy sự tồn tại của một loài Carinodens nguyên thủy vào tầng Maastricht cùng với các loài Carinodens phát triển hơn là Carinodens minalmamarCarinodens belgicus.”

“Nó cũng là loài Carinodens đầu tiên được biết đến với hàm trên và hàm dưới được bảo quản tốt, giúp mở rộng kiến thức của chúng ta về nhũng động vật bí ẩn này.”

Trong khi hóa thạch của cả Carinodens belgicus Carinodens minalmamar được tìm thấy tại nhiều nước khác nhau, hóa thạch của Carinodens acrodon cho đến nay mới chỉ có tại Morocco.

“Chi Carinodens rất đa dạng và phổ biến trong tầng Maastricht, cho thấy sự phát triển nhanh chóng vào một ngách sinh thái mới như một động vật ăn vỏ/xương cứng nhỏ, nhưng chế độ ăn và chiến lược săn mồi của các loài trong chi Carinodens vẫn chưa rõ ràng,” các nhà nghiên cứu kết luận.

“Sự đa dạng của thương long ở Morocco rất đặc biệt và cho thấy rằng chúng vẫn tiếp tục phát triển ngay trước khi sự kiện tuyệt chủng hàng loạt cuối Kỷ Phấn Trắng xảy ra, và rằng thương long có thể đã đa dạng hơn và phong phú hơn về sinh thái so với các nhóm động vật biển khác trong Đại Trung sinh.”

Nguồn: Enrico de Lazaro, "New Species of Durophagous Mosasaur Unearthed in Morocco" / Sci.News.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét