RẮN THẦN TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN ÚC TRUYỀN CẢM HỨNG CHO TÊN GỌI KHOA HỌC CỦA CÁC LOÀI RẮN TIỀN SỬ

[Mê Khủng LongTrong tín ngưỡng của các cư dân bản địa Aborigine ở Úc, Rắn Cầu Vồng (Rainbow Serpent) được xem là vị thần sáng thế của họ. Vị thần này tạo ra đất đai và sự trù phú cho con người, nhưng khi bị gây phiền hà cũng có thể mang đến sự hỗn loạn khôn lường cho thế giới.

Gọi là Rắn Cầu Vồng bởi trong nhiều câu chuyện kể của người Aborigine, rắn thần thường được gắn với sự xuất hiện của cầu vồng. Người ta nói rằng, khi cầu vồng xuất hiện trên bầu trời, đó là Rắn Cầu Vồng đang di chuyển từ hồ nước này sang hồ nước khác, và quan niệm linh thiêng này giải thích tại sao một số hồ nước không bao giờ khô cạn khi hạn hán xảy ra.

Tranh của Hodari Nundu.

Rắn Cầu Vồng có nhiều tên gọi khác nhau tùy nhóm cư dân Aborigine. Chẳng hạn như nhóm Murngin ở Đông Bắc Arnhemland sẽ gọi là Yurlunggur, trong khi nhóm Anangu gọi là Wonampi (và còn rất nhiều tên gọi khác nữa). Chính những tên gọi này đã truyền cảm hứng cho các nhà cổ sinh vật học khi đặt tên cho các chi rắn cổ đại được phát hiện trên đất Úc, chẳng hạn như Yurlunggur sống vào khoảng Thế Tiệm Tân đến Thế Trung Tân (23-11,6 triệu năm trước). Đây là loài rắn thuộc họ rắn khổng lồ Madtsoidae, với chiều dài có thể từ 4,5-6m hay thậm chí có ước tính lên đến 7-8m.

Một chi rắn khác cũng thuộc họ Madtsoidae, cũng được tìm thấy ở Úc và được đặt tên theo một tên gọi của Rắn Cầu Vồng là Wonambi, có chiều dài ước tính có thể đạt 4-6m. Chúng có thời gian tồn tại khá dài, từ 23 triệu năm trước cho đến tận cuối Thế Cánh Tân, khoảng 12.000 năm trước. Do đó, chúng có thể đã từng sống với con người và thậm chí ăn thịt con người như trong bức tranh minh họa phía trên của họa sĩ Hodari Nundu. Tuy nhiên, các nhà cổ sinh vật học cho rằng chính con người lại là nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của Wonambi và nhiều động vật khổng lồ tại châu Úc tiền sử.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét