LẦN ĐẦU TIÊN PHÁT HIỆN XƯƠNG CỔ DỰC LONG BỊ CÁ SẤU TẤN CÔNG Ở BẮC MỸ

[Mê Khủng LongCác nhà khoa học vừa công bố một mẫu xương cổ dực long được khai quật từ tỉnh Alberta, Canada với dấu vết rất rõ cho thấy nó đã bị một con cá sấu đớp trúng cách đây 76 triệu năm trước.

Đốt sống cổ dực long có vết răng của cá sấu nhìn từ nhiều góc độ.

Dấu vết được đề cập là một dấu tròn có đường kính khoảng 4mm rất giống với dấu răng cá sấu. Trong khi đó, đốt sống cổ dực long được cho là một cá thể chưa trưởng thành của một loài thuộc họ dực long Azhdarchidae, với sải cánh ước tính khoảng 2m. Khi trưởng thành, những con dực long thuộc họ Azhdarchidae có thể đạt chiều cao tương đương hươu cao cổ ngày nay với sải cánh lên đến 10m như Quetzalcoatlus hay Hatzegopteryx.

Công nghệ micro-CT đã xác nhận dấu vết này là dấu răng chứ không phải dấu vết được tạo thành do hư hại trong quá trình hóa thạch hay khai quật.

Đây là một phát hiện rất hiếm có, một bằng chứng hết sức cụ thể về mối quan hệ giữa kẻ săn mồi và con mồi thời cổ đại. Cần biết rằng xương dực long rất mong manh và khó hóa thạch hơn xương khủng long nhiều lần. Kể cả khi hóa thạch, rất hiếm khi người ta phát hiện một bộ xương dực long nguyên vẹn.

Vết răng này cũng là lần đầu tiên người ta tìm thấy bằng chứng cá sấu cổ đại tấn công và ăn thịt dực long ở Bắc Mỹ. Trước đây người ta từng tìm thấy bằng chứng tương tự nhưng ở một hóa thạch tại Romania.

Nguồn: University of Reading, "Rare pterosaur fossil reveals crocodilian bite 76 million years ago" / Phys.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét