[Mê Khủng Long] Tuy hơi muộn nhưng Dinoman mới biết rằng ngày 11/2 là ngày quốc tế tôn vinh phụ nữ trong khoa học (International Women in Science Day).
Cần biết rằng phụ nữ đã có nhiều đóng góp trong các ngành khoa học nói chung và cổ sinh vật học nói riêng. Và một trong những người tiên phong mở đường cho ngành cổ sinh chính là một phụ nữ, bà Mary Anning (1799-1847).
Cuộc đời bà có nhiều giai thoại, sớm nhất là câu chuyện bị sét đánh lúc mới hơn 1 tuổi cùng ba người phụ nữ trưởng thành khác nhưng chỉ có duy nhất bà không tận số và may mắn sống sót.
![]() |
Mary Anning do Kate Winslet đóng trong phim Ammonite (2020). |
Toàn bộ cuộc đời Mary Anning sống trong cảnh nghèo khó, không được học hành đến nơi đến chốn. Săn hóa thạch vốn dĩ cũng chỉ là một công việc để mưu sinh từ nhỏ, nhưng không biết từ khi nào bà đã vô cùng đam mê công việc này, thậm chí còn tự học về sinh học, giải phẫu động vật... để nâng cao kiến thức, giúp bà nghiên cứu hóa thạch tốt hơn.
Bà đặc biệt có hoa tay, khi vẽ lại rất chính xác và chi tiết những phát hiện của mình, chẳng hạn như bộ xương xà cảnh long hóa thạch mà về sau trở thành mẫu định danh của Plesiosaurus dolichodeirus. Kiến thức về hóa thạch và cổ sinh của bà uyên thâm đến nỗi nhiều nhà khoa học thời đó quan tâm đến hóa thạch thường xuyên ghé qua căn nhà khiêm tốn của bà để thảo luận và tham khảo ý kiến, bên cạnh việc mua hóa thạch làm mẫu vật nghiên cứu.
Những phát hiện lớn của bà gồm có ngư long Ichthyosaurus (cùng với anh trai Joseph Anning), xà cảnh long Plesiosaurus, dực long Dimorphodon...
![]() |
Bức vẽ hóa thạch Plesiosaurus của Mary Anning. |
Năm 1833, bà lại suýt bị tử thần mang đi thêm lần nữa khi gặp một trận lở đất trong lúc đi tìm hóa thạch. Biến cố đó đã khiến bà mất đi chú chó thân thiết tên Tray. Chú chó về sau cũng xuất hiện trong bức tranh chân dung nổi tiếng của bà do Benjamin John Merifield Donne vẽ vào năm 1850.
Năm 1835, bà mất gần như toàn bộ tiền tiết kiệm vì bị một kẻ lừa đảo dưới chiêu bài đầu tư. Với sự giúp đỡ của những người bạn như nhà cổ sinh vật học William Buckland, bà được Hội Tiến bộ Khoa học Anh quốc và chính quyền tài trợ một khoản sinh hoạt phí vừa đủ để bà tiếp tục tìm hóa thạch và đóng góp cho khoa học.
Ngày 9 tháng Ba năm 1847, Mary Anning qua đời vì bệnh ung thư vú. Ghi nhận những cống hiến của bà cho sự nghiệp khoa học, Hội Địa chất Anh quốc đã quyên góp tiền từ các hội viên để trang trải các chi phí chữa bệnh và tang lễ cho bà. Bà được chôn cất trong khuôn viên nhà thờ St. Michael ở quê hương Dorset, khép lại một cuộc đời đầy thăng trầm nhưng trọn vẹn vì sự phát triển của ngành cổ sinh vật học non trẻ.
Một giai thoại khác cũng rất thú vị liên quan đến Mary Anning đó là một số nhà nghiên cứu cho rằng, bà chính là nhân vật trong bài đồng dao mang tính thách đố về phát âm "She Sells Seashells":
![]() |
Bức chân dung nổi tiếng của Mary Anning. |
Dù các nhà nghiên cứu vẫn còn đang tranh cãi về tính chính xác của giả thuyết này, nhưng có một sự thật là từ khi còn nhỏ, bà đã cùng gia đình đi tìm hóa thạch, trong đó phổ biến nhất là cúc đá - rất giống vỏ ốc - để bán cho khách tham quan.
Năm 2018, một nữ sinh 11 tuổi tên là Evie Swire đã đề xuất với hội đồng địa phương về việc dựng tượng để tưởng nhớ Mary Anning và công lao của bà đối với quê hương Dorset và ngành cổ sinh vật học. Đề xuất được phê chuẩn và hội từ thiện Mary Anning Rocks đứng ra quyên góp để có chi phí dựng tượng. Vào ngày 21 tháng Năm năm 2022, bức tượng được khánh thành nhân sinh nhật lần thứ 223 của Mary Anning, từ đó trở thành một điểm tham quan không thể bỏ qua khi du khách đến với bờ biển Dorset.
Năm 2020, bộ phim Ammonite khắc họa một phần cuộc đời của Mary Anning ra mắt, trong đó nhân vật Mary Anning do Kate Winslet đóng, còn ngôi sao trẻ Saoirse Ronan đóng vai người bạn thân của Mary Anning là Charlotte Murchison. Các bạn có thể xem bộ phim này để biết thêm một góc nhìn về cuộc đời của một người phụ nữ xuất chúng và có ảnh hưởng lớn lao trong khoa học.
0 Nhận xét