TÌM THẤY NHIỀU PHÂN CÁ SẤU HÓA THẠCH TẠI NA DƯƠNG, LẠNG SƠN

[Mê Khủng Long TV] Một nhóm các nhà khoa học quốc tế (trong đó có 2 nhà nghiên cứu đến từ Việt Nam) công bố nghiên cứu về một đống phân hóa thạch (coprolite) của cá sấu được tìm thấy tại mỏ than Na Dương, Lạng Sơn, Việt Nam.

Phục dựng hệ sinh thái đầm lầy tại Na Dương vào Thế Thủy Tân (~35 triệu năm trước). Bồn địa Na Dương được xem như một Lagerstatte (khu vực có hóa thạch được bảo quản ở mức độ cực tốt) hiếm hoi tại Đông Nam Á.

Trước đó, tại đây đã phát hiện hóa thạch của những loài cá sấu như Orientalosuchus naduongensis hay Maomingosuchus acutirostris, cho thấy nhiều khả năng mỏ than Na Dương vào Thế Thủy Tân từng là một môi trường đầm lầy rộng lớn, nơi các loài cá sấu chiếm ưu thế và là động vật săn mồi hàng đầu.

"Bộ sưu tập" phân cá sấu "khủng" vừa được phát hiện.

Việc phát hiện và phân tích các mẫu coprolite có thể giúp các nhà khoa học thu được nhiều thông tin quan trọng về thức ăn, sinh thái học và môi trường sống của cá sấu ở Na Dương cũng như các động vật có liên quan. Bên cạnh các vật chất thường tìm thấy trong các mẫu phân hóa thạch, trong 55 mẫu vật này các nhà khoa học còn phát hiện sự hiện diện của bào tử phấn hoa đến từ nhiều giống thực vật khác nhau. Chiếm đa số là thực vật có hoa (angiosperm, trung bình 96,6%), thực vật hạt trần (trung bình 2,2%) và dương xỉ (1,2%) chỉ chiếm số ít. Trong số thực vật có hoa, loài thường gặp nhất là  Quercoidites (thuộc họ Dẻ, trung bình 54,4%).

Việc xác định chủ nhân của đống phân hóa thạch này không phải là chuyện dễ dàng. Ở Hệ tầng Na Dương, người ta từng mô tả ba kiểu hình thái (morphotype) cá sấu từng tồn tại, đó là (1) brevirostrine, chiếm 2/3 (gồm những loài như cá sấu Mỹ, Orientalosuchus naduongensis thuộc kiểu hình thái này), (2) longirostrine (cá sấu mõm dài như Maomingosuchus acutirostris) và (3) longirostrine gavialoid (giống như cá sấu Ấn Độ). Theo phân tích của nhóm, phân của cá sấu longirostrine gavialoid thường phân tán sau khi "ẻ" trong nước nên khó có khả năng được bảo quản dưới dạng hóa thạch, do đó nhiều khả năng chủ nhân của 55 cục phân này là cá sấu thuộc nhóm (1) hoặc (2).

Chính vì không xác định cụ thể loài cá sấu nào là chủ nhân của những cục phân này, nhóm đã đặt ra một danh pháp dấu vết mới (ichnotaxon) cho chúng, đó là Crococopros naduongensis (nghĩa đen là "phân cá sấu tại Na Dương").

Nguồn: "Exceptionally well-preserved crocodilian coprolites from the Late Eocene of Northern Vietnam: Ichnology and paleoecological significance" / iScience.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét