"CHÂU VỀ HỢP PHỐ" HAY HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ CỐ HƯƠNG CỦA HÓA THẠCH KHỦNG LONG QUÝ HIẾM UBIRAJARA JUBATUS

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnMột câu chuyện đáng chú ý của ngành cổ sinh vật học trong năm 2022.

Câu chuyện trở về của hóa thạch Ubirajara jubatus là một ví dụ điển hình của cái gọi là "chủ nghĩa thực dân trong ngành cổ sinh vật học", trong đó các nghiên cứu và khám phá cổ sinh vật học chứng kiến sự áp đảo của các nhà khoa học và nhóm nghiên cứu đến từ các quốc gia giàu có, trong khi những nước nghèo thường phải chịu sự mất mát về hóa thạch, đặc biệt là những hóa thạch quý hiếm, có giá trị rất lớn về mặt khoa học và có thể là một cú hích cho nền kinh tế địa phương.

Ubirajara jubatus là danh pháp (sau này bị bác bỏ vì nghiên cứu không hợp lệ) mà người ta đặt cho một loài khủng long chân thú nhỏ với hóa thạch được tìm thấy tại một khu mỏ đá phấn ở vùng Đông Bắc Brazil. Một phần bộ xương nằm trên một phiến đá phấn, có cả dấu vết của da, lông và móng vuốt. Đặc biệt, trên lưng của loài khủng long này còn có hai sợi lông dài, dựng lên trông khá giống hai ngọn giáo. Chính vì thế mà tên chi của nó được các nhà khoa học đặt là Ubirajara, có nghĩa là "chúa tể ngọn giáo" trong thổ ngữ Tupi. Niên đại của loài khủng long này được xác định lên tới 110 triệu năm, tức chúng từng sống ở đầu Kỷ Phấn Trắng. 

Hóa thạch Ubirajara jubatus. Ảnh: Sci.News.

Theo luật của Brazil, mọi hóa thạch được tìm thấy trên lãnh thổ nước này đều không được phép đưa ra bên ngoài, đồng thời mọi nghiên cứu liên quan đến hóa thạch không được phép tiến hành nếu không có sự tham gia của ít nhất một nhà khoa học Brazil. Thế nhưng, không biết bằng cách nào, ai đó đã kiếm được giấy phép xuất khẩu để đưa hóa thạch Ubirajara jubatus ra khỏi lãnh thổ Brazil và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Karlsruhe ở Đức đã tiếp nhận hóa thạch này vào năm 2009. Đến khi biết hóa thạch Ubirajara jubatus đã biến mất, người Brazil mới ngã ngửa.

Tiếp đó, người Brazil càng nổi giận khi biết rằng, các nhà khoa học Đức đã tiến hành mô tả và đăng tải nghiên cứu về Ubirajara jubatus trên một tập san có tên là Cretaceous Research vào năm 2020. Điều này cũng đi ngược lại những gì luật pháp xứ sở Samba quy định. Không chấp nhận mất trắng một báu vật quý hiếm như vậy, người Brazil quyết tâm đòi lại "chúa tể ngọn giáo". Chiến dịch này có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các mạng xã hội, tạo nên một làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ hướng về phía Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Karlsruhe.

Một bức tranh phục dựng ngoại hình của Ubirajara jubatus. Ảnh: Wikipedia.

Sau nhiều tháng trời đấu tranh và vận động trên mạng xã hội, cuối cùng những áp lực mà người Brazil tạo ra cũng đem lại kết quả. Tập san Cretaceous Research phải rút lại nghiên cứu, một trường hợp hiếm có trong ngành cổ sinh vật học. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Karlsruhe cùng chính quyền bang Baden-Württemberg cũng phải thừa nhận hóa thạch Ubirajara jubatus đã bị thu nhận "bất hợp pháp". Và như một lẽ đương nhiên, phía Đức phải chấp nhận hoàn trả hóa thạch này lại cho Brazil.

Bộ trưởng Khoa học bang Baden-Württemberg là Theresia Bauer đã khẳng định một cách đầy thiện chí: "Chúng tôi có lập trường rất rõ ràng, được thể hiện qua những hành động nhất quán: Nếu có hiện vật nào trong bộ sưu tập ở các bảo tàng của chúng ta được tiếp nhận trong những điều kiện không thể chấp nhận về mặt pháp lý và đạo đức, việc hoàn trả phải được cân nhắc... Và hóa thạch Ubirajara, với tầm quan trọng lớn lao và trường hợp tiếp nhận đầy nghi vấn của nó, nên được hoàn trả cho nơi nó thuộc về - Brazil."

Kết quả đáng mừng này (ít nhất là đối với Brazil) cũng đã bắt đầu khiến cộng đồng khoa học thế giới quan tâm đến sự bất bình đẳng đã ăn sâu vào ngành cổ sinh vật học, một xu hướng xảy ra do ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân trong lịch sử. Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy có tới 97% dữ liệu trong một cơ sở dữ liệu chủ chốt của ngành cổ sinh vật học được nhập bởi các nhà khoa học đến từ những quốc gia giàu có hoặc trung lưu - một sự thiên lệch trong dữ liệu hóa thạch do sự bất bình đẳng về kinh tế gây ra. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng có đến hàng chục hóa thạch xuất xứ từ Brazil đang nằm trong bộ sưu tập của các bảo tàng ở Đức, chưa kể còn ở nhiều quốc gia giàu có khác.

Bộ sưu tập hóa thạch khủng long của nhiều bảo tàng lớn có nguồn gốc từ nước ngoài. Ảnh: visitberlin.com.

Hơn nữa, Brazil không phải là quốc gia duy nhất phải chịu đựng cái gọi là "chủ nghĩa thực dân trong ngành cổ sinh vật học". Nhiều quốc gia nghèo khác, đặc biệt là ở châu Phi, từng chứng kiến một lượng lớn hóa thạch cổ đại của mình rơi vào tay những quốc gia thực dân như Anh, Đức, Pháp, Bỉ... Tuy nhiên, để thay đổi những gì đã xảy ra từ rất lâu là việc khó, chưa kể phần lớn các quốc gia nghèo chưa có đủ năng lực và trình độ khoa học để bảo quản và nghiên cứu hóa thạch. 

Tuy nhiên, các quốc gia phát triển không thể cứ đến các nước nghèo đào bới rồi mang hóa thạch đi. Trong thời đại này, sự hợp tác chính là chìa khóa cho một ngành cổ sinh vật học bền vững, các bên cùng có lợi. Sự hợp tác về công nghệ, kỹ thuật và học thuật sẽ giúp các nước nghèo nâng cao trình độ khai quật và bảo quản hóa thạch, trong khi sự am hiểu của họ về chính đất nước mình có thể giúp việc tìm hóa thạch trở nên hiệu quả hơn đối với các nhà nghiên cứu nước ngoài. 

Nói cách khác, "chủ nghĩa thực dân" sẽ không còn chỗ đứng trong ngành cổ sinh vật học hiện đại nữa.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét