TẠI SAO HÓA THẠCH BOREALOPELTA MARKMITCHELLI LẠI ĐƯỢC BẢO QUẢN HOÀN HẢO ĐẾN VẬY?

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnVới một hóa thạch khủng long bình thường, chúng ta đã có rất nhiều điều để nói. Và với một hóa thạch khủng long được bản quản hoàn hảo như Borealopelta markmitchelli, chúng ta càng có nhiều điều để nói hơn.

Ảnh: The Atlantic.

Tại sao nó lại được bảo quản hoàn hảo đến vậy? 

Lời giải thích có thể đến từ tư thế chết đặc biệt của các loài giáp long (ankylosaur) mà Borealopelta là một thành viên.

Khi khai quật các hóa thạch khủng long thuộc nhóm ankylosaur, ngay từ sớm các nhà cổ sinh vật học đã nhận ra một hiện tượng tương đối lạ là những hóa thạch này thường nằm trong tư thế "ngửa bụng" (belly-up). Người ta đã thử lý giải hiện tượng này bằng hai cách.

Thứ nhất, một số nhà cổ sinh vật học cho rằng các loài khủng long thuộc nhóm ankylosaur rất nặng nề và vụng về, khi bị trượt chân trên một đoạn đường dốc chúng sẽ lăn xuống dưới, bị lật ngửa và chết trong tư thế đó. Tuy nhiên, cách giải thích này sẽ không hợp lý nếu xét đến sự thành công của các loài giáp long trong lịch sử, khi chúng tồn tại đến 100 triệu năm. Sẽ không có nhóm động vật nào tồn tại lâu đến thế nếu chúng có thể "tử ẹo" một cách lãng nhách như vậy.

Thứ hai, một số nhà cổ sinh vật học khác thì lại cho rằng, việc xác của khủng long ankylosaur bị lật ngửa là "tác phẩm" của các loài săn mồi, khi chúng lật con khủng long lại để xơi con mồi từ phần bụng mềm trước, bởi phần lưng của chúng có những phiến sừng quá cứng kể cả đối với răng của những loài khủng long thuộc nhóm tyrannosauridae. Tuy nhiên giả thuyết này cũng bị bác bỏ vì các nhà cổ sinh vật học không tìm thấy nhiều sự hiện diện của dấu răng khủng long săn mồi trên hóa thạch giáp long. 

Đến lúc này, các nhà cổ sinh vật học tiếp tục tìm hiểu và đưa ra giả thuyết thứ ba, dựa trên một loài động vật có vú khá giống với các loài khủng long ankylosaur, đó là "armadillo" (họ Thú có mai). Khi những con armadillo này bị xe hơi tông trúng khi băng qua đường, xác của chúng bắt đầu thối rữa và trong quá trình thối rữa, cái xác bị phồng lên, tích tụ khí ga, tứ chi duỗi ra và cuối cùng con vật bị lật ngửa bụng lại. Những người đưa ra giả thuyết này đã sử dụng công nghệ mô phỏng trên máy tính để kiểm nghiệm giả thuyết của họ và kết quả nhận được cho thấy đây có thể là lời giải thích chính xác cho hiện tượng này, đặc biệt là khi xác của giáp long bị trôi trong nước. Hiện tượng này cũng được chứng kiến ở một loài bò sát có vảy xương khác giống giáp long và sống dưới nước, đó là cá sấu. Các nhà khoa học đặt tên cho nó là "bloat-and-float" (có nghĩa là "phồng lên và nổi). 

Hiện tượng này hoàn toàn phù hợp với địa điểm mà người ta tìm thấy hóa thạch Borealopelta markmitchelli. Hóa thạch này được tìm thấy tại một khu mỏ ở Fort McMurray, tỉnh Alberta, Canada. Ở đây, đã từng có rất nhiều hóa thạch của sinh vật biển cổ đại như plesiosaur hay ichthyosaur được tìm thấy, nhưng chưa từng có dữ liệu về hóa thạch khủng long cho đến khi người ta phát hiện ra Borealopelta markmitchelli. Khi phân tích vị trí tìm thấy hóa thạch, các nhà cổ sinh vật học cũng nhận thấy con vật nằm ngay phía trên một lớp trầm tích biển. Vì thế, họ kết luận con vật này sau khi chết đã bị trôi ra biển và yên nghỉ ở đáy biển trước khi hóa thạch.

Sở dĩ con vật có thể trôi đi xa như vậy là bởi, cũng giống như xác của thú có mai hay cá sấu, khi phân hủy, khí gas sẽ tích tụ bên trong cái xác, khiến nó có thể trôi nổi trên mặt biển trong một thời gian khá dài. Đến khi khí gas thoát ra hết, nó sẽ bắt đầu chìm xuống đáy với sức nặng của mình.

Chưa hết, để có thể được hóa thạch một cách hoàn hảo như vậy, các nhà cổ sinh vật học cũng cho rằng con vật đã chìm xuống một lớn bùn đọng nghèo oxy dưới đáy biển. Khi xác của nó tiếp tục quá trình phân hủy trong nước biển, carbon dioxide và các chất khác trong cơ thể được giải phóng ra bên ngoài, làm thay đổi tính chất hóa học của nước biển trong lớp bùn xung quanh cái xác. Rất nhanh, điều này khiến một lớp siderite - hợp chất sắt carbonate - hình thành, tạo nên một khối kết (concretion) bao bọc cái xác, giúp nó không trở thành thức ăn của những loài ăn xác thối ở biển. Chính khối kết này cũng giúp cho cái xác không bị đè phẳng trong suốt hàng chục triệu năm bị các lớp trầm tích đè lên như những hóa thạch khác, giúp nó giữ được nguyên hình dạng ba chiều như khi còn sống.

Nói chung, phải có rất nhiều yếu tố xảy ra cùng lúc mới có thể giúp chúng ta có được một hóa thạch hoàn hảo đến vậy. Do đó, những hóa thạch như của khủng long Borealopelta markmitchelli là rất hiếm. Không chỉ giữ nguyên hình dạng, người ta còn tìm thấy nhiều điều thú vị trong hóa thạch này, chẳng hạn như lớp vỏ keratin hay các thành phần màu sắc. Đó chính là điều may mắn cho ngành cổ sinh vật học của chúng ta.

Nguồn: Eons PBS, Scitech Daily

Đăng nhận xét

0 Nhận xét