TONGTIANLONG: CHẾT THẢM TRONG BÙN LẦY, GẦN 67 TRIỆU NĂM SAU TRỞ THÀNH BÁU VẬT

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnMọi chuyện bắt đầu tại Cám Châu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, năm 2012.

Tranh phục dựng ngoại hình và cái chết của Tongtianlong limosus của họa sĩ Zhao Chuang.

Trên một mảnh đất nọ, những chiếc xe công trường đang tất bật hoạt động. Bạn có thể nghe thấy tiếng người la í ới, đốc thúc nhau làm việc. Tất cả đều muốn xong kế hoạch hôm nay cho sớm trước khi màn đêm buông xuống. Đây là công trường xây dựng một trường trung học.

Vì không muốn tốn thời gian dùng máy xúc để san lấp mặt bằng, mấy người trong đội thi công bàn nhau dùng thuốc nổ để dọn dẹp cho nhanh. Nói là làm, họ hí hoáy gài thuốc nổ vào một vách đá. 

Tiếng nổ vang lên, cả đám người chạy lại xem thuốc nổ đã làm thay phần việc của máy xúc đến đâu. Nhưng khi khói bụi vừa tan đi, có kẻ đã hét lên: "Có xương kìa!"

"Liệu có phải xương người không?" một gã trong đội phỏng đoán.

"Đây là đất hoang lâu năm, làm gì có nghĩa địa mà có xương người? Chưa kể người nào mà lại to như thế?" một gã công nhân đứng tuổi, có vẻ là người nhiều kinh nghiệm lên tiếng trấn an đám thanh niên.

Khi nhìn kỹ hơn, họ nhận ra đây không phải là xương của một con vật bình thường. Trông nó khá giống bộ xương của một loài chim, nhưng không hoàn toàn. Rất có thể, đây là một sinh vật cổ chưa từng được biết đến. Họ liền liên hệ ngay cho nhà chức trách.

Dù vậy, họ không biết mình vừa đứng trước một trong những phát hiện quan trọng của ngành cổ sinh vật học Trung Quốc.

Vào thời cổ đại khoảng 67 triệu năm trước, quang cảnh của nơi đây rất khác. Những cánh rừng rậm rạp trải dài ngút tầm mắt, bao phủ những vùng đất rộng lớn, cung cấp môi trường sống cho nhiều loài sinh vật, xen giữa là một số đầm lầy, vừa là nơi ẩn náu, vừa là bãi săn, vừa là một cái bẫy cho những kẻ không may mắn trong chuỗi thức ăn của nơi này.

Một trong những nhóm sinh vật phổ biến nhất tại đây chính là khủng long, mà cụ thể hơn, chính là những loài khủng long cỡ vừa và nhỏ thuộc nhóm Oviraptorosaur. Các nhà cổ sinh vật học đã xác định được hơn sáu loài trong nhóm này tại Hệ tầng Nam Hùng (Nanxiong), cho thấy sự đa dạng ở mức cao. Sở dĩ như vậy, có lẽ là do môi trường rừng rậm cung cấp nơi ẩn náu và sự ngụy trang cho những loài khủng long cỡ vừa và nhỏ trước sự săn đuổi của những kẻ săn mồi to lớn hơn, chưa kể nguồn thức ăn hết sức dồi dào. Thế nên, có thể nói, vùng đất này chính là thiên đường của những loài Oviraptorosaur.

Trở lại với hóa thạch của con khủng long mới được phát hiện tại công trường, các nhà cổ sinh vật học đã bắt đầu tiếp nhận, xử lý và nghiên cứu hóa thạch. Họ biết được niên đại của hóa thạch là 66,7 triệu năm. Ngoại trừ một vài bộ phận đã bị hư hỏng bởi thuốc nổ, hóa thạch là một bộ xương tương đối nguyên vẹn, vẫn giữ nguyên hình dạng ba chiều của con vật thay vì bị đè phẳng bởi sức ép của các lớp trầm tích. Nó có kích cỡ tương đương một con cừu. Tư thế của nó cũng khá lạ lùng: con vật dường như đang ngẩng cao đầu hướng về phía trước, tứ chi dang rộng. Có vẻ như nó đang vùng vẫy hết sức để thoát khỏi thứ gì đó. Các đặc điểm trên bộ xương cũng chỉ rõ, con khủng long này là một thành viên của nhóm Oviraptorosaur, một nhóm khủng long có lông vũ, hình dạng giống một số loài chim ngày nay như đà điểu đầu mào.

Dựa trên phân tích về lớp đá bao quanh hóa thạch, các nhà cổ sinh vật học cho rằng, con vật đã chết trong một vũng bùn lầy. Như những gì người ta biết về nhóm Oviraptorosaur, đa phần chúng có lông vũ giống như chim. Lớp lông vũ này tuy nhiều khả năng chưa giúp chúng bay được như các hậu duệ, nhưng có thể là lớp ngụy trang kiêm lớp cách nhiệt, tạo lợi thế sinh tồn trong môi trường sống của chúng. Mặc dù vậy, khi mắc kẹt trong bùn lầy, lông vũ có thể là một nhược điểm chết người. Khi dính bùn, chúng sẽ trở nên nặng hơn và khiến con vật không thể nào thoát ra được, dù có vùng vẫy mạnh tới đâu.

Hóa thạch Tongtianlong limosus. Ảnh: Sci.News.

Người ta phỏng đoán, con khủng long có lẽ đã gặp nạn khi đang đi săn mồi, hoặc cũng có thể do bị săn đuổi đến cùng đường mà rơi vào đầm lầy. Dù là gì đi nữa, kết cục của nó cũng thật bi thảm. Có lẽ, con khủng long đã trải qua những phút cuối cùng đầy kinh hoàng, vùng vẫy tới hơi thở cuối cùng trước khi chìm sâu trong bùn. Một số nhà cổ sinh vật học, như Steve Brusatte, khi được hỏi đã nói rằng đây là một trong những hóa thạch "bi kịch nhất" mà họ từng chứng kiến.

Nhưng cũng chính vì thế, cái xác của nó đã tránh được những kẻ ăn xác thối và bộ xương của nó không bị phân tán đi khắp nơi mà được giữ nguyên vẹn, dù các phần mô mềm có lẽ đã bị các sinh vật phân giải phân hủy. Lớp bùn xung quanh theo thời gian đã trở thành một khối kết (concretion) bao bọc quanh bộ xương, khiến cho nó không bị đè bẹp bởi các lớp trầm tích phía trên, qua đó giữ được hình dạng ba chiều đẹp đẽ của con vật, cũng như bảo vệ hóa thạch trước sức mạnh của thuốc nổ nên rốt cuộc, nó chỉ bị hư hại một phần.

Như để bù đắp cho bi kịch của con khủng long, các nhà cổ sinh vật học đã tìm cho nó một cái tên thật đẹp. Họ lấy tên của một thắng cảnh nổi tiếng gần đó, vách đá Thông Thiên (Thông Thiên Nham) kết hợp với chữ "long" - có nghĩa là "rồng" - để đặt tên chi cho con vật, tức là "Thông thiên long" (Tongtianlong). Cái tên này cũng muốn nói đến cái chết và tư thế của con khủng long - giống như nó đang muốn vẫy cánh bay lên trời vậy. Tên loài được đặt là "limosus", có nghĩa là "bùn" trong tiếng Latin, ý chỉ nơi nó đã trải qua thời khắc cuối cùng. Danh pháp đầy đủ của nó là Tongtianlong limosus.

Ngày nay, Tongtianlong được xem là một bằng chứng quan trọng về sự đa dạng và quá trình tiến hóa của các loài khủng long trên lãnh thổ Trung Quốc, đặc biệt là nhóm Oviraptorosaur, cùng những chi khủng long họ hàng như Banjilong, Ganzhousaurus, Jiangxisaurus, NankangiaHuanansaurus. Đó cũng là lời phản bác đanh thép trước lập luận cho rằng trước sự kiện đại tuyệt chủng, các loài khủng long phi điểu đã bắt đầu suy tàn để rồi biến mất hoàn toàn khi tiểu hành tinh Chicxulub đâm vào Trái đất. Hiện hóa thạch Tongtianlong limosus đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Thị trấn Đông Dương thuộc huyện Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét