MỘT SỐ HÓA THẠCH KHỦNG LONG CÒN DẤU VẾT DA NỔI TIẾNG

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnHóa thạch khủng long mà còn da vốn là điều cực hiếm xảy ra, bởi các mô mềm thường có tốc độ phân hủy rất nhanh chứ không chậm như xương. Vì thế hóa thạch khủng long chỉ lưu lại dấu vết của da chỉ trong những điều kiện đặc biệt, chẳng hạn như xác con vật bị chôn vùi trong một trận lở đất, hoặc xác bị khô kiệt trước khi bị chôn vùi và trở thành hóa thạch.

Một trong những mẫu hóa thạch còn dấu vết của da nổi tiếng đó là "xác ướp" Edmontosaurus (số catalogue AMNH 5060). Con khủng long chết trong tư thế nằm ngửa, các xương không bị đè phẳng và vẫn kết nối với nhau. Hóa thạch vẫn giữ được khoảng hai phần ba lượng da, trên đó người ta phát hiện da của con khủng long này gồm có hai loại vảy không chồng lên nhau có đường kích từ 1 đến 5 mm. Khác với một số hóa thạch khủng long khác, da của AMNH 5060 dính sát vào xương và một phần bị rút vào bên trong cơ thể, cho thấy con vật đã chết khô trước khi bị chôn lấp, do đó người ta coi đây là hóa thạch của một xác ướp tự nhiên. 

Ảnh: Wikipedia.

Một xác ướp còn dấu vết da quan trọng khác là xác ướp Psittacosaurus có bộ da hóa thạch gần như nguyên vẹn. Các nhà khoa học đã dùng công nghệ Laser-stimulated Flourescence (LSF, tạm dịch là "huỳnh quang kích thích bằng laser") để phân tích hóa thạch này và nhận thấy vảy của con khủng long Psittacosaurus này có độ phức tạp cao và phân chia theo vùng trên cơ thể, mỗi vùng sẽ có loại vảy với đặc điểm khác nhau. Ngoài ra, họ còn phát hiện "lỗ huyệt" (cloaca, là lỗ dùng chung cho việc đại tiện, tiểu tiện và cả sinh sản ở động vật lưỡng cư, chim, bò sát và một vài động vật hữu nhũ) của khủng long Psittacosaurus có nhiều đặc điểm giống với "lỗ huyệt" của cá sấu.

Ảnh: Cnet.com.

Và đương nhiên, nói về những hóa thạch đẹp còn dấu vết da thì không thể không kể đến hóa thạch khủng long Borealopelta markmitchelli. Dù không nguyên vẹn, nhưng phần còn giữ được của con vật trông không khác gì lúc nó còn sống, nhất là bộ giáp đặc trưng của các loài khủng long thuộc nhóm Ankylosaur. Đặc biệt hơn, người ta còn tìm thấy phần dạ dày với khẩu phần ăn đã hóa thạch của con vật. Nó thích ăn lá dương xỉ, có vẻ kén ăn khi chỉ chọn những lá dương xỉ non để thưởng thức. 

Ảnh: Sci.News.

Có người thắc mắc, liệu hóa thạch khủng long còn cả da như vậy thì có dùng da đó lấy ADN để hồi sinh khủng long được hay không. Câu trả lời rất tiếc là không. Nghiên cứu của các nhà khoa học đã kết luận rằng chu kỳ bán rã của ADN là 521 năm, do đó ngay cả khi được bảo quản ở điều kiện lý tưởng là -50 độ C, thì ADN cũng sẽ bị phá hủy hoàn toàn sau khoảng 6,8 triệu năm. Trong khi đó khủng long có niên đại nhỏ nhất cũng ~66 triệu năm nên chắc chắn sẽ không còn lưu lại bất kỳ ADN nào cả. Mẫu ADN cổ nhất mà con người lấy được từ một loài động vật cổ đại cũng chỉ có niên đại 1 triệu năm mà thôi. 

Ý nghĩa lớn nhất của việc tìm thấy hóa thạch khủng long còn dấu vết da chính là ở việc các nhà cổ sinh vật học có thể tìm hiểu nhiều thông tin về ngoại hình, giải phẫu học của khủng long, qua đó đưa ra hình ảnh phục dựng chính xác hơn về các sinh vật này.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét