NHỮNG CÚ LỪA HÓA THẠCH (PHẦN 2): KỲ ÁN LỪA ĐẢO "NGƯỜI CỔ PILTDOWN"

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnCho đến nay, vụ lừa đảo nổi tiếng nhất trong ngành cổ sinh vật học và cổ nhân học chính là vụ "Người cổ Piltdown", do một nhà khảo cổ nghiệp dư người Anh tên là Charles Dawson "đạo diễn".

Vụ việc xảy ra vào năm 1912, khi Charles Dawson tuyên bố mình đã khám phá ra "mắt xích còn thiếu" giữa linh trưởng và người. Ông liên hệ với Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh Quốc để thông báo rằng mình đã tìm thấy một hộp sọ giống hộp sọ người có niên đại 500.000 năm trước thuộc Thế Canh Tân (Pleistocene, khoảng 2,58 triệu năm - 11.700 năm trước) tại một tầng đá sỏi gần Piltdown, Đông Sussex, Anh. Ông cùng một chuyên gia của bảo tàng là Arthur Smith Woodward tiếp tục khẳng định đã tìm thấy nhiều mảnh xương và cổ vật tại khu vực này trong mùa hè năm đó và cho là chúng cùng thuộc về một cá thể. Trong số này gồm một mảnh xương hàm, nhiều mảnh xương sọ, một số răng và các công cụ tiền sử.

Smith Woodward sau đó đã phục dựng hộp sọ và đặt giả thuyết chúng thuộc về một tổ tiên của loài người. Khám phá của họ được chính thức công bố tại một buổi họp của Hội Địa chất và hóa thạch được đặt danh pháp là Eoanthropus dawsoni (nghĩa là "con người thuở bình minh của Dawson"). Hộp sọ giống của người hiện đại trong khi phần xương hàm dưới giống của linh trưởng phần nào củng cố niềm tin đang thịnh hành trong giới cổ nhân học ở Anh khi đó là sự tiến hóa của con người bắt đầu từ bộ não, qua đó càng khiến người ta tin tưởng phát hiện của Dawson.

Tranh vẽ các nhà khoa học đang xem xét hộp sọ của người cổ Piltdown. Ảnh: Wikipedia.

Chính việc chưa có các công nghệ giám định và xét nghiệm hiện đại, cộng thêm niềm khao khát chứng minh mối liên hệ về mặt tiến hóa giữa linh trưởng và con người đã nhấn chìm những tiếng nói nghi ngờ tính xác thực của "người cổ Piltdown" từ một số nhà nghiên cứu. Đến năm 1915, Dawson lại tiếp tục củng cố phát hiện của mình khi công bố ba mảnh xương của một hộp sọ thứ hai cách nơi phát hiện "người cổ Piltdown" khoảng hai dặm. Tuy nhiên, lần này ông ta không cho bất kỳ ai tiếp cận địa điểm mới, kể cả Woodward. Một năm sau, vào tháng Tám năm 1916, Dawson qua đời và phải năm tháng sau ngày ông mất, Woodward mới trình bày phát hiện thứ hai về "người cổ Piltdown" của Dawson  trước Hội Địa chất. Hai phát hiện này dường như khiến người ta không còn nghi ngờ gì nữa về tính xác thực của "người cổ Piltdown", đến mức ngay cả nhà cổ sinh học kỳ cựu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ Henry Fairfield Osborn cũng phải công nhận phát hiện của Dawson.

Tuy nhiên, những người nghi ngờ thì vẫn không bỏ cuộc. Nhưng cũng phải mất đến hơn 40 năm sau, tức là vào năm 1953, những bằng chứng cụ thể mới được thu thập đủ để chứng minh "người cổ Piltdown" hoàn toàn là một màn kịch tinh vi được dựng lên bởi Charles Dawson. Những bằng chứng này được công bố trên tạp chí Time vào tháng Mười năm 1953, do các nhà khoa học gồm Kenneth Page Oakley, Sir Wilfrid Edward Le Gros Clark và Joseph Weiner tổng hợp lại. Họ chứng minh hóa thạch "người cổ Piltdown" thực chất đến từ ba loài khác nhau và có niên đại rất gần đây, thông qua xét nghiệm hàm lượng fluorine. Nó bao gồm một hộp sọ người có niên đại không đến 50.000 năm, hàm dưới của một con đười ươi có niên đại 500 năm và răng hóa thạch của một con tinh tinh. Những mẫu vật này được "trang trí" ngoại hình để nhìn cho cổ hơn bằng dung dịch có chứa sắt và acid chromic. Những chiếc răng đã được giũa để trông giống răng người hơn. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều hóa thạch tổ tiên của con người đuiợc phát hiện và những hóa thạch này có rất ít điểm tương đồng với "người cổ Piltdown".

Phục dựng hộp sọ của người cổ Piltdown. Ảnh: Wikipedia.

Tất nhiên, Charles Dawson là tâm điểm của những chỉ trích và quy kết sau đó với tư cách là thủ phạm lớn nhất của vụ lừa đảo này. Một số nhân vật khác cũng bị quy kết là có nhúng tay vào vụ này vì có liên hệ với Dawson, trong đó có cả nhà văn trinh thám nổi tiếng Arthur Conan Doyle (dù không có đủ chứng cứ để chứng minh). Sau khi "người cổ Piltdown" bị bóc mẽ, người ta cũng lật lại toàn bộ sự nghiệp của Dawson và phát hiện ra ông ta còn là tác giả của 38 vụ giả mạo khác - một sự nghiệp khoa học gần như hoàn toàn được dựng lên từ sự giả dối.

Hệ quả vụ việc để lại cũng rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến những nghiên cứu về lịch sử tiến hóa của nhân loại trong giai đoạn đầu. Những phát hiện quan trọng như hóa thạch Australopithecine bị phớt lờ vì sự nổi bật của "người cổ Piltdown". Trong khi đó, những người theo thuyết Sáng Thế thường lấy vụ việc này làm bằng chứng cáo buộc các nhà cổ sinh vật học đã gian dối về nguồn gốc của con người. Rất may là những khám phá khảo cổ học sau đó đã giúp các nhà khoa học theo thuyết tiến hóa sửa chữa sai lầm từ vụ lừa đảo "người cổ Piltdown".

Đăng nhận xét

0 Nhận xét