CHI VỚI CHẢ LOÀI: HY VỌNG ĐỌC XONG BÀI SẼ KHÔNG NHẦM NỮA NHÉ!

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnTôi bắt đầu việc viết về khủng long (và sinh vật tiền sử, sinh vật nói chung) cũng được một thời gian rồi nhưng vẫn có một vài nhầm lẫn khá cơ bản, nhất là chi với loài.

Trong nghiên cứu về sinh vật, chúng ta sẽ có khái niệm phân loại học (taxonomy) để nói về việc phân loại sinh vật theo một cấu trúc thứ bậc rõ ràng, giúp việc nghiên cứu và xác định quan hệ giữa các loài sinh vật trở nên trật tự hơn.

Chân dung của Carl Linnaeus, cha đẻ của hệ thống phân loại sinh vật mang tên ông. Ảnh: New Scientist.

Hệ thống phân loại ngày nay được áp dụng phổ biến nhất do nhà sinh vật học người Thụy Điển Carl Linnaeus lập ra, trong đó có các cấp bậc cơ bản gồm vực (domain), giới (kingdom), ngành ("phyla" đối với thực vật và "division" đối với động vật), lớp (class), bộ (order), họ (family), chi (genus) và loài (species). Theo thời gian, do sự phức tạp ngày càng tăng của thế giới sinh vật mà con người biết đến, người ta lại phải đặt ra những cấp bậc chi tiết hơn như phân ngành (sub-division), phân lớp (sub-class), phân bộ (sub-order), phân họ (sub-family), phân loài (sub-species)... để mô tả chính xác hơn mối quan hệ giữa các nhóm sinh vật. Cuối cùng, người ta phải áp dụng một hệ thống phân loại phức tạp hơn là hệ thống phân loại theo nhánh (cladistics taxonomy) trong đó sinh vật sẽ được phân thành nhiều nhánh khác nhau, được mô tả như những cành cây tua tủa trong một cái cây lón. Tuy nhiên, hệ thống phân loại của Linnaeus vẫn được sử dụng trong trường học và nhiều sách vở phổ thông nhờ tính đơn giản của nó. 

Trong hệ thống phân loại của Linnaeus, hai đơn vị cơ bản nhất là chiloài. Chi (hay còn gọi là "giống") dùng để chỉ một hoặc một nhóm loài có kiểu hình tương tự và mối quan hệ tiến hóa gần gũi với nhau. Loài là cấp nhỏ hơn ngay dưới chi, là một nhóm các cá thể sinh vật có những đặc điểm sinh học tương đối giống nhau và có khả năng giao phối với nhau và sinh sản ra thế hệ tương lai. Và tên khoa học của một sinh vật cũng thường thể hiện chi và loài của sinh vật đó, còn được gọi là "danh pháp hai phần".

Theo quy định, danh pháp hai phần của sinh vật trong một văn bản sẽ được viết in nghiêng (italic), từ thứ nhất chính là chi (giống) của sinh vật đó và từ thứ hai chính là loài. Ví dụ, trong danh pháp khoa học của khủng long bạo chúa là Tyrannosaurus rex, thì Tyrannosaurus là tên chi còn rex là tên loài. Bạn cũng có thể viết tắt tên chi, rút gọn lại thành T. rex sau lần xuất hiện đầu tiên của danh pháp đó trong văn bản. Có một số trường hợp khi viết bạn sẽ gọi nhầm chi thành loài, chẳng hạn như "loài Triceratops" hay "loài Spinosaurus", nhưng thực chất đó là tên chi. Tên loài thường được ít biết đến hơn, như trong trường hợp của chi Triceratops, chi này được xác định có hai loài gồm Triceratops horridusTriceratops prorsus. Hay chi Spinosaurus chỉ có một loài duy nhất (chi đơn loài) là Spinosaurus aegyptiacus.

Bản thân tôi mới đầu cũng hay viết nhầm, nhưng đã cố gắng sửa dần dần để viết đúng hơn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu cách viết đúng của danh pháp hai phần và không bị lẫn lộn giữa chi và loài nữa nhé!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét