AACHENOSAURUS VÀ NỖI Ê CHỀ CỦA NHÀ CỔ SINH VẬT HỌC NGƯỜI BỈ

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnSự việc xảy ra vào khoảng cuối thế kỷ XIX, chính xác là vào năm 1887, khi nhà cổ sinh vật học (cũng là một cha trưởng tu viện) người Bỉ tên là Gerard Smets tìm thấy một số hóa thạch trông khá giống xương. 

Đó là thời điểm mà "khủng long" đang trở thành một trào lưu khá "nóng" trên thế giới, điển hình là Cuộc chiến Xương (The Bone Wars) giữa hai nhà cổ sinh vật học người Mỹ Edward Drinker Cope và Othniel Charles Marsh nhằm chạy đua xem ai là người tìm được nhiều xương khủng long nhất. Chắc chắn là các nhà cổ sinh vật học khác trên khắp thế giới như Gerard Smets cũng không muốn đứng ngoài cuộc.

Smets vội vàng tuyên bố những hóa thạch ông tìm thấy là mảnh xương hàm của một chi khủng long mỏ vịt (hadrosaur). Dù bị nghi ngờ, ông vẫn kiên quyết bảo vệ kết luận của mình, cho rằng bản thân đã cẩn thận xem xét các mảnh hóa thạch này bằng cả mắt thường, kính lúp lẫn kính hiển vi nên không thể nào nhầm được. Smets còn củng cố cho phán đoán của mình bằng những con số ước tính không biết lấy từ đâu như chi khủng long này có thể dài từ 4-5m và thậm chí còn có gai trên người. Ông còn đặt tên khoa học cho nó là Aachenosaurus, có nghĩa là "thằn lằn Aachen", dựa theo tên của Hệ tầng Aachen ở Moresnet, nơi tìm ra hóa thạch.

Những mảnh gỗ hóa thạch mà Gerard Smets nhận nhầm là xương khủng long hóa thạch. Ảnh: Wikipedia.

"Vải thưa không thể che được mắt thánh", những nỗ lực của Smets không thể nào đánh lừa được một nhà cổ sinh vật học hàng đầu lúc đó cũng là người Bỉ, Louis Dollo. Dollo sinh năm 1857, mất năm 1931, nổi tiếng với định luật Dollo, nêu rằng sự tiến hóa không thể đảo ngược, đồng thời là người thiết lập nên nhiều nguyên tắc của ngành cổ sinh học. Ông nhanh chóng phát hiện ra sai sót của Smets và chứng minh rằng đó chỉ là những mảnh gỗ đã hóa đá. Tuy vậy, Smets vẫn cứng đầu không chịu nhận sai. Nhưng một lần nữa, một hội đồng trung lập đã vào cuộc và chứng minh rằng Smets không hề tìm ra được mảnh hóa thạch khủng long nào cả.

Quá xấu hổ khi bị bóc mẽ đến hai lần, Smets tuyên bố rút khỏi khoa học. Tưởng chừng như nhà cổ sinh vật học này đã bỏ nghề mãi mãi, nhưng đến năm 1889, ông lại xuất bản một luận văn về rùa. Không rõ Smets có tiếp tục tìm hiểu về khủng long nữa không, nhưng có lẽ ông sẽ không bao giờ quên câu chuyện năm xưa như nỗi ê chề lớn nhất trong cuộc đời làm khoa học của mình.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét