LOÀI NGƯỜI CÓ DIỆT VONG NẾU THẢM HỌA CHICXULUB LẶP LẠI?

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnCon người liệu có làm tốt hơn khủng long phi điểu nếu phải đối mặt với một thảm họa tương tự vụ va chạm của tiểu hành tinh Chicxulub?

Như các bạn đã biết, theo giả thuyết được cộng đồng khoa học đồng thuận nhiều nhất hiện nay, cách đây 66 triệu năm trước, một tiểu hành tinh khổng lồ đã đâm vào Trái đất, kích hoạt một thảm họa toàn cầu dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài khủng long phi điểu cũng như nhiều loài thuộc các nhóm sinh vật khác. Tuy sự sống đã hồi sinh và tiếp tục phát triển sau đó trên hành tinh của chúng ta, nhưng một thảm họa như vậy cho thấy, sự sống trên Trái đất, dù là giống loài nào, đều rất mong manh trước sức mạnh của tự nhiên, của vũ trụ.

Một vụ va chạm tiểu hành tinh được cho là đã xóa sổ khủng long phi điểu vào cuối Kỷ Phấn Trắng.

Vậy bạn đã bao giờ tự hỏi, nếu một tiểu hành tinh có cùng kích cỡ với tiểu hành tinh 66 triệu năm trước đâm vào Trái đất ngày nay, Trái đất mà con người đang là những sinh vật thống trị, điều gì sẽ xảy ra không? Liệu con người chúng ta có thoát khỏi một thảm họa tuyệt chủng tương đương thảm họa đã khiến ba phần tư số loài động thực vật đang sống trên Trái đất khi đó biến mất?

Tiểu hành tinh Chicxulub từng đâm vào Trái đất cách đây 66 triệu năm trước được đặt theo tên của một thị trấn duyên hải ở Mexico, nằm trên bán đảo Yucatán, gần vị trí tìm ra hố va chạm của tiểu hành tinh này với Trái đất 66 triệu năm trước. Người ta đã phát hiện ra hố va chạm này vào cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 khi đang thăm dò dầu khí ngoài vịnh Mexico và nhận thấy hình dạng bất thường trên bản đồ trọng lực. Các khảo sát sau đó đã chính thức xác nhận đây là một hố va chạm giữa Trái đất với tiểu hành tinh, đồng thời các dữ liệu của nó trùng khớp với thời điểm các loài khủng long phi điểu đột ngột biến mất trong lịch sử sự sống. Kể từ đó, phần lớn các nhà khoa học đồng tình rằng vụ va chạm này là nguyên nhân chính dẫn đến sự chấm dứt của thời đại khủng long, dẫu bên cạnh đó còn nhiều giả thuyết khác.

NHỮNG TÁC ĐỘNG VÀ HẬU QUẢ CỦA MỘT VỤ VA CHẠM TIỂU HÀNH TINH

Dựa trên đo đạc và ước tính của các nhà khoa học, chúng ta biết được rằng tiểu hành tinh Chicxulub có thành phần cấu tạo chủ yếu là chondrite carbon, có đường kính khoảng 10km và khi đâm vào Trái đất, nó đã tiếp xúc với hành tinh của chúng ta ở một góc từ 45 đến 60 độ. Tốc độ khi va chạm ước tính của tiểu hành tinh này là 20km/giây, tương đương 72 nghìn km/giờ và nó để lại một hố va chạm có đường kính rộng đến 180km, sâu đến 20km, rộng tổng cộng hơn 25 nghìn km2, gần gấp đôi diện tích của đồng bằng sông Hồng. Sức mạnh của vụ va chạm tương đương 72 nghìn tỷ tấn thuốc nổ TNT.

Tuy nhiên, cú đâm trực tiếp của vụ va chạm chưa phải là nhân tố duy nhất gây nên thảm họa toàn cầu. Để hiểu rõ hơn về tác động của một vụ va chạm tiểu hành tinh cũng như những hệ quả sau va chạm của nó, các bạn có thể truy cập trang web có địa chỉ https://neal.fun/asteroid-launcher/ để thử mô phỏng một vụ va chạm như vậy. Trang này cho phép chúng ta thay đổi các thông số như đường kính của tiểu hành tinh, thành phần cấu tạo của nó như carbon, sắt hoặc vàng, tốc độ di chuyển và góc va chạm. Tuy nhiên, đường kính tối đa của tiểu hành tinh trong phần mô phỏng này chỉ là 1,5km, tức chưa bằng một phần sáu đường kính của tiểu hành tinh Chicxulub. 

Giao diện mô phỏng vụ va chạm tiểu hành tinh trên trang web https://neal.fun/asteroid-launcher/.

Trong lần mô phỏng của mình, tôi đã thiết lập các thông số gần giống với tiểu hành tinh Chicxulub nhất, ngoại trừ đường kính chỉ có thông số tối đa là 1,5km. Chất liệu của tiểu hành tinh là carbon. Tốc độ là 20km/giây, còn góc đâm là 60 độ. Địa điểm va chạm chính là vịnh Mexico ngoài khơi bán đảo Yucatán, gần nơi từng diễn ra vụ va chạm 66 triệu năm trước. Trang web cho ra kết quả là những số liệu rất cụ thể (số liệu có thể khác tùy vào các thông số của tiểu hành tinh và địa điểm va chạm):

  • Hố va chạm có đường kính 5,2km, sâu 482m.
  • Nó lập tức tạo ra một cơn sóng thần cao gần 1,4km.
  • Sức mạnh tương đương 116 tỷ tấn thuốc nổ.
  • Ngay sau vụ nổ, một quả cầu lửa có đường kính lên đến 31km bùng lên, khiến cho gần 800 nghìn người đăng xuất ngay lập tức vì sức nóng của nó. Hơn năm trăm nghìn người bị bỏng độ 2 - độ 3. Quần áo của những ai nằm trong bán kính 153km của vụ va chạm sẽ bốc cháy. Những cái cây cũng sẽ bắt lửa trong bán kính hơn 273km.
  • Chưa hết, sóng xung kích từ vụ va chạm có độ lớn lên đến 269dB. Gần 57 nghìn người chết vì sóng xung kích. Bất kỳ ai trong bán kính 94km đều bị tổn thương phổi, trong bán kính 122km sẽ bị tổn thương màng nhĩ, và trong bán kính 212km mọi tòa nhà đều bị đổ sập. Đồng thời, vụ va chạm còn tạo ra những cơn gió rất mạnh khiến khoảng 744 nghìn người “bay màu”. Nhà cửa trong bán kính 104km bị san phẳng. Cây cối trong vòng 304km đều bị đổ rạp, và một cơn động đất mạnh đến 6,4 độ Richter cũng sẽ xảy ra và được cảm nhận trong vòng 83km quanh đó. Đương nhiên, sẽ có người tiếp tục phải đăng xuất sau vụ va chạm vì những hệ quả này, với số lượng nhân mạng có thể lên đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu nếu nơi va chạm ở một khu vực đông dân cư hơn.

Và đó mới là một tiểu hành tinh có kích cỡ chưa bằng một phần sáu tiểu hành tinh Chicxulub!

Hơn thế nữa, hệ quả của một vụ va chạm tiểu hành tinh không chỉ kéo dài vài giây, vài phút hay vài giờ sau khi va chạm, mà có thể là hàng năm trời sau đó. Đáng sợ nhất là bụi tro từ vụ va chạm sẽ che khuất ánh mặt trời trong một thời gian dài, khiến thực vật cũng như tảo biển không thể quang hợp được, dần chết đi và khởi động sự sụp đổ chuỗi thức ăn trên toàn cầu. Những loài động vật ăn thực vật chết dần chết mòn, tiếp đó là những loài săn mồi chuyên ăn các loài ăn thực vật. Và nền nông nghiệp của chúng ta, từ trồng trọt đến chăn nuôi cũng sẽ chịu kết cục tương tự. Nạn đói xảy ra là điều có thể dự báo trước. Hiện tại, chúng ta chỉ dự trữ đc 30% lượng ngũ cốc sản xuất trong vòng 1 năm. Chưa kể một số lượng không nhỏ có thể nằm trong tầm ảnh hưởng của vụ va chạm. Do đó, sau một năm, có thể sẽ có đến một phần tư dân số toàn cầu hiện nay, tương đương khoảng 2 tỷ người phải “đăng xuất” vì đói. Thậm chí, sự phân bố không đồng đều dự trữ lương thực có thể khiến tình hình trở nên tệ hơn nhiều, khi người giàu nắm giữ số lượng lương thực nhiều hơn và muốn giữ riêng cho mình nhiều nhất có thể. 

Vụ va chạm tiểu hành tinh có thể kích hoạt một thảm họa toàn cầu, đe dọa sự tồn vong của nhân loại.

Ngoài ra, vụ va chạm còn giải phóng một lượng lớn sulfur có rất nhiều trong đá nằm dưới biển, tạo ra mưa acid trên diện rộng, gây nên sự hủy hoại khắp nơi. Nhiều cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống cung cấp nước sạch, điện bị hủy hoại, dẫn đến sự ra đi của những người phục thuộc vào các cơ sở hạ tầng này, như trẻ nhỏ, người ốm yếu, bệnh nhân. Có thể sẽ diễn ra một mùa đông va chạm giống như mùa đông hạt nhân thường được mô tả trong sách vở dài đến hai năm trời, khi nhiệt độ toàn cầu giảm xuống vì ánh mặt trời không thể chiếu đến được mặt đất, khiến thêm nhiều người phải bỏ cuộc vì lạnh.

CON NGƯỜI LIỆU CÓ THỂ SỐNG SÓT? HAY AI CÓ THỂ SỐNG SÓT?

Theo những gì tôi đọc được, trình độ khoa học hiện nay đảm bảo chúng ta có thể dự đoán trước tối đa đến vài năm cho một vụ va chạm tiểu hành tinh như vậy bằng cách quan sát các tiểu hành tinh có nguy cơ bay qua Trái đất từ xa. Do đó, con người chúng ta khi phát hiện nguy cơ thật sự có thể xây dựng những nơi trú ẩn nằm sâu trong lòng đất, thứ nhất là để tránh được vụ va chạm cũng như các tác động của nó, thứ hai là để tận dụng nguồn địa nhiệt nhằm sưởi ấm trong điều kiện không có ánh nắng mặt trời trong thời gian dài. Ngoài ra, chúng ta phải tìm được cách để trồng trọt ngay cả khi không có ánh nắng Mặt trời để giải quyết vấn đề lương thực hoặc cố gắng dự trữ nhiều nhất có thể.

Trong trường hợp không giải quyết được vấn đề lương thực cũng như sự thiếu hụt một số tài nguyên sinh tồn khác như nước uống, kích thước nhỏ sẽ là một lợi thế. Dữ liệu hóa thạch cho thấy, sau vụ va chạm của tiểu hành tinh Chicxulub, không loài động  vật nào lớn hơn một con mèo có thể vượt qua thảm họa, bởi kích thước nhỏ sẽ mang đến lợi thế về lượng tài nguyên cần thiết để sinh tồn. Khi ấy, rất có thể sẽ có một cuộc thanh lọc về dân số trong những cộng đồng còn sống sót khi chỉ những người nhỏ con được phép tồn tại. Còn những người to con, dài lưng tốn vải và ăn nhiều uống nhiều thì sao? Có trời mời biết được chuyện gì sẽ xảy ra với họ.

Lương thực và các tài nguyên thiết yếu cho việc sinh tồn sẽ là vấn đề nan giải.

Người giàu cũng có thể có lợi thế, nhưng một khi nền kinh tế toàn cầu sụp đổ, chưa chắc tiền đã giúp được họ. Điều tốt nhất họ có thể làm để đảm bảo cho sự sinh tồn của bản thân là tự xây cho mình một chỗ trú ẩn riêng với lương thực và nước uống đủ dùng trong vài năm từ trước đó.

LIỆU CÓ PHƯƠNG ÁN NÀO KHÁC KHÔNG?

Đương nhiên là có. Con người chúng ta sẽ không chờ tiểu hành tinh đâm vào Trái đất rồi mới nghĩ cách sinh tồn. Trong Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ, có một văn phòng tên là Văn phòng điều phối phòng thủ hành tinh, có sự hợp tác của nhiều cơ quan vũ trụ hàng đầu thế giới khác. Nhiệm vụ của văn phòng này là lên kế hoạch phòng thủ Trái đất trước những mối đe dọa từ bên ngoài vũ trụ, và tiểu hành tinh chính là một trong số đó. Nếu bạn theo dõi tin tức thì sẽ biết rằng, vào ngày 26 tháng Chín năm 2022 vừa rồi, họ đã cho một vệ tinh đâm thử vào một tiểu hành tinh nhỏ để xem có thể thay đổi được đường đi của tiểu hành tinh hay không. Kết quả cho thấy đã có một sự đổi hướng nhỏ của tiểu hành tinh, đồng thời nó bị làm chậm lại đôi chút và mất đi một phần khối lượng, do đó nếu tiểu hành tinh này vẫn đâm vào Trái đất, thiệt hại cũng sẽ nhỏ hơn. 

Đối với những tiểu hành tinh cỡ lớn như Chicxulub, đương nhiên chúng ta sẽ cần phải có những vũ khí mạnh hơn nữa. Một trong những đề xuất từng gây tranh cãi đó là cài bom hạt nhân vào tiểu hành tinh để phá hủy chúng trước khi chúng tiến gần đến Trái đất. 

Con người từng thử nghiệm các phương pháp làm chệch hướng tiểu hành tinh, chẳng hạn như Sứ mệnh DART.

XÁC SUẤT ĐỂ XẢY RA MỘT THẢM HỌA NHƯ VẬY LÀ BAO NHIÊU?

Trên thực tế, vẫn có thiên thạch hay những tiểu hành tinh nhỏ tiến vào bầu khí quyển Trái đất khá thường xuyên, nhưng vì chúng quá nhỏ nên thường sẽ bị ma sát với khí quyển làm bốc cháy hết hoặc không gây ra thiệt hại đáng kể. Trong khi đó, xác suất để những tiểu hành tinh lớn đâm vào Trái đất cũng rất hiếm gặp, đường kính càng lớn thì xác suất va chạm càng nhỏ. Và tin vui là những tiểu hành tinh cỡ Chicxulub thường phải 100 triệu năm mới đâm vào hành tinh của chúng ta một lần. Do đó, loài người chúng ta còn tới hẳn 34 triệu năm để chuẩn bị nếu xác suất đó đúng, bởi thảm họa khiến khủng long tuyệt chủng xảy ra cách đây 66 triệu năm.

Đúng vậy, hãy hy vọng là xác suất đó đúng...

Đăng nhận xét

0 Nhận xét