KHÔNG HỀ CÓ "MÙA ĐÔNG VA CHẠM" SAU CÚ ĐÂM CỦA TIỂU HÀNH TINH CHICXULUB?

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnMột nghiên cứu mới cho rằng, nhiệt độ toàn cầu không giảm mạnh sau vụ va chạm của tiểu hành tinh Chicxulub, vốn được cho là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của khủng long phi điểu cách đây 66 triệu năm trước.

Theo nghiên cứu này, tiểu hành tinh đã quét sạch các loài khủng long phi điểu không hề kích hoạt một "mùa đông va chạm" (impact winter) kéo dài - một kết luận làm dấy lên những câu hỏi mới về điều gì đã thật sự xảy ra trên Trái đất sau vụ va chạm.

Vào một ngày mùa xuân cách đây 66 triệu năm trước, một tiểu hành tinh có đường kính 10km đã đâm vào vị trí mà ngày nay bán đảo Yucatán, Mexico và làm thay đổi lịch sử sự sống của Trái đất. Sự kiện này, thường được gọi là vụ va chạm Chicxulub, đã kích hoạt một đợt tuyệt chủng hàng loạt làm biến mất 75% giống loài trên Trái đất khi đó, bao gồm toàn bộ khủng long phi điểu.

Điều gì đã xảy ra sau vụ va chạm Chicxulub vẫn là một bí ẩn với các nhà khoa học.

Nhưng vụ va chạm đã tiêu diệt khủng long phi điểu như thế nào vẫn là một bí ẩn - bởi suy cho cùng, khủng long không hề tụ tập tại một chỗ chờ tiểu hành tinh đâm vào mình. Suốt nhiều thập niên, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng vụ va chạm đã khiến nhiều bụi và đất tung lên, bay vào bầu khí quyển dẫn đến một "mùa đông va chạm" (tương tự "mùa đông hạt nhân") - một giai đoạn lạnh giá kéo dài khi nhiệt độ toàn cầu sụt giảm.

Lauren O'Connor, nhà khoa học Trái đất tại Đại học Utrecht, Hà Lan và là tác giả chính của nghiên cứu nói: "Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào giống như 'mùa đông hạt nhân' cả. Chí ít là trong phân tích của chúng tôi." Phân tích được nhóm nghiên cứu của Lauren O'Connor thực hiện có thể phát hiện sự suy giảm nhiệt độ trong các chu kỳ khoảng 1.000 năm hoặc hơn.

O'Connor và đội ngũ của cô đã phân tích vi khuẩn hóa thạch trong các mẫu than có niên đại trước, trong và sau vụ va chạm Chicxulub. Để phản ứng với sự thay đổi về nhiệt độ, thành tế bào của vi khuẩn sẽ dày lên hoặc mỏng đi, giống như cách chúng ta "đắp chăn và tung chăn vậy".

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, trong khoảng một thiên niên kỷ sau vụ va chạm, vi khuẩn dường như không hề làm dày lớp bảo vệ bên ngoài để chống lại "mùa đông". Thay vào đó, họ phát hiện xu hướng ấm lên kéo dài khoảng 5.000 năm nhưng ổn định tương đối nhanh. Khoảng thời gian này có thể là kết quả của những siêu núi lửa phun CO2 vào khí quyển trong thiên niên kỷ trước sự kết thúc đột ngột của Kỷ Phấn Trắng.

Điều này không có nghĩa là "mùa đông va chạm" bị loại bỏ khỏi danh sách các nguyên nhân tiềm tàng dẫn đến sự tuyệt chủng của khủng long phi điểu, theo Sean Gulick, nhà khoa học Trái đất tại Đại học Texas, người không tham gia vào nghiên cứu nói trên. Tấm màn bụi lấp đầy bầu khí quyển sau vụ va chạm có thể chỉ lơ lửng trong không trung khoảng một thập niên hoặc ít hơn - do đó không gây ra sự thay đổi dễ nhận thấy đối với nhiệt độ toàn cầu, nhưng có thể khiến Trái đất chìm trong bóng tối. "Không nhất thiết phải quá dài lắm đâu," Gulick giải thích. "Chỉ cần không có ánh nắng Mặt trời vài tháng là đủ để hầu hết thực vật trên Trái đất chết đi."

Với sự ra đi của phần lớn thực vật, các loài ăn thực vật sẽ không thể tìm đủ thức ăn để duy trì sự sống. Khi những loài này chết, chuỗi thức ăn sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề, dẫn đến sự diệt vong của các loài ăn thịt cỡ lớn và những loài phụ thuộc vào chúng. Sự kiện này, tuy có tính hủy diệt rất lớn, nhưng cũng chỉ giống như một cái chớp mắt trong dữ liệu hóa thạch. "Nó diễn ra thật sự rất, rất nhanh về mặt địa chất," Gulick nói tiếp.

Nhóm nghiên cứu của O'Connor đồng tình rằng rất có thể đã có một giai đoạn lạnh giá và tăm tối ngắn vào đầu sự kiện tuyệt chủng cuối Kỷ Phấn Trắng. Nhưng có vẻ giai đoạn này không trở thành một xu hướng lạnh giá kéo dài. Phát hiện của nhóm cho thấy Trái đất có khả năng phục hồi sau một sự kiện biến động về khí hậu nhanh hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ trước đó - nhưng vẫn có thể dẫn tới một sự kiện tuyệt chủng trên quy mô lớn.

Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục khảo sát các mẫu than đá từ nhiều khu vực khác tại Mỹ nhằm xây dựng dữ liệu về sự thay đổi nhiệt độ trong thiên niên kỷ trước khi vụ va chạm xảy ra. Họ hy vọng dữ liệu này sẽ giúp giải mã tác động của hoạt động núi lửa từ vụ va chạm Chicxulub, cũng như việc nghiên cứu sự ấm lên do núi lửa sẽ giúp con người hiểu rõ hơn điều gì sẽ xảy đến trong cuộc khủng hoảng khí hậu hiện tại mà chúng ta đang gặp phải.

Nguồn: Joanna Thompson, "Dinosaur-killing asteroid did not trigger a long 'nuclear winter' after all" / Live Science.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét