[Mê Khủng Long - Dinophile.vn] Otodus megaladon, một loài cá mập răng khổng lồ từng sống trong khoảng thời gian 23-3,6 triệu năm trước không phải là những tay bơi tốc độ, nhưng thực đơn bao gồm những con mồi to xác có thể giải thích kích thước khổng lồ của chúng - theo một phân tích dựa trên những chiếc vây hình tấm của loài cá mập này được tìm thấy tại Nhật Bản.
Trong tiểu thuyết và phim ảnh, Otodus megalodon thường được khắc họa như một con cá mập "siêu to, siêu khổng lồ" và hung bạo. Trong khi đó, các nhà khoa học ước tính rằng chiều dài của Megalodon nằm trong khoảng 14-20m và cân nặng lớn nhất có thể đạt khoảng 100 tấn. Những hiểu biết về sinh học của Megalodon trước đây chủ yếu dựa trên những chiếc răng và đốt sống khổng lồ hóa thạch của nó. Với suy luận rằng Megalodon là loài máu nóng hoặc chí ít là động vật nội nhiệt theo khu vực (regionally endothermic), người ta cũng cho Megalodon là một loài cá mập năng động, có khả năng bơi nhanh.
Megalodon có thể là loài bơi chậm, với khả năng tăng tốc nhanh trong khoảnh khắc ngắn để bắt mồi. |
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới tiết lộ rằng các vảy hình tấm của Megalodon không có những đường gờ san sát nhau giống như các loài cá mập có tốc độ bơi nhanh.
"Phát hiện lớn của chúng tôi đến từ những bằng chứng nhỏ như hạt cát vậy," theo giáo sư Kenshu Shimada của Đại học De Paul, một chuyên gia giàu kinh nghiệm về cá mập nói chung và Megalodon nói riêng, đồng thời cũng là người đứng đầu nghiên cứu.
Trong nghiên cứu của mình, giáo sư Shimada cùng các cộng sự đã khảo sát vảy hình tấm được tìm thấy trong chất nền đá bao quanh một bộ răng hóa thạch của Megalodon có niên đại cuối Thế Trung Tân ở Nhật Bản.
"Điều này khiến chúng tôi cân nhắc khả năng rằng Otodus megalodon là những tay bơi có tốc độ trung bình, thỉnh thoảng có những cú tăng tốc nhanh hơn để bắt mồi," giáo sư Shimada cho biết.
Nghiên cứu mới này lại đặt ra một vấn đề mâu thuẫn khác: mặc dù một nghiên cứu gần đây ủng hộ mạnh mẽ giả thuyết động vật nội nhiệt theo khu vực ở Megalodon, các kết quả phân tích của giáo sư Shimada cùng các cộng sự nêu lên câu hỏi rằng liệu loài cá mập này xử lý ra sao với nhiệt lượng tỏa ra từ quá trình trao đổi chất của cơ thể mà không cần phải bơi nhanh.
Khi xem xét lại nghiên cứu nói trên, giáo sư Shimada cùng các cộng sự đã phát hiện ra một chức năng khả dĩ của cơ chế sinh lý hằng nhiệt từng bị lãng quên trong ngữ cảnh sinh học của Otodus megalodon, đó là hỗ trợ sự tiêu hóa cũng như hấp thu và xử lý chất dinh dưỡng.
"Đột nhiên mọi thứ trở nên hợp lý đến hoàn hảo," giáo sư Shimada nói.
"Otodus megaladon chắc hẳn phải nuốt những miếng mồi lớn, vì thế rất có khả năng loài cá mập này trở nên khổng lồ với mục đích dùng cơ chế trao đổi chất hằng nhiệt để thúc đẩy quá trình xử lý thức ăn trong hệ tiêu hóa của chúng."
Nguồn: "Study: Megalodon was Slow Cruising Shark with Occasional Burst Swimming for Prey Capture" / Sci.News.
0 Nhận xét