[Mê Khủng Long - Dinophile.vn] Rất có thể, chuyện muỗi hút máu khủng long phi điểu chỉ là một chi tiết viễn tưởng khác của các nhà làm phim Jurassic Park.
>> Cập nhật: ĐÃ TÌM THẤY HÓA THẠCH MUỖI TỪ THỜI KHỦNG LONG CÓ KHẢ NĂNG HÚT MÁU
Nếu bạn là fan cứng của dòng phim Jurassic Park và Jurassic World, chắc chắn bạn sẽ biết cách mà người ta hồi sinh khủng long phi điểu trong những bộ phim này, đó là dùng máu khủng long được hút bởi những con muỗi cổ đại bị kẹt trong hổ phách, chiết xuất ADN của khủng long, bổ sung một số phần bị thiếu bằng ADN của các loài động vật hiện đại như ếch để tạo ra ADN khủng long hoàn chỉnh.
Mẫu vật muỗi cổ đại hóa thạch duy nhất có bằng chứng về việc hút máu động vật. Ảnh: Dale Greenwalt. |
Tuy nhiên, trong thực tế, bên cạnh vấn đề về thời gian phân rã của ADN thì còn một chi tiết khác khiến cho ý tưởng này càng trở nên phi thực tế, đó là những con muỗi. Muỗi bắt đầu hút máu từ bao giờ vẫn là một câu hỏi làm đau đầu các nhà khoa học, nhưng những dữ liệu hóa thạch không ủng hộ lắm điều mà người ta vẫn tin tưởng qua loạt phim Jurassic Park.
Hiện tại, bằng chứng cổ nhất về việc hút máu ở muỗi chỉ có niên đại khoảng 46 triệu năm, đó là một con muỗi (chi Culiseta) với cái bụng chứa đầy máu được tìm thấy trong đá phiến tại Montana (Mỹ). Mẫu vật này được tìm thấy vào đầu thập niên 1980 bởi một thợ săn hóa thạch nghiệp dư tên Kurt Constenius, chỉ để bị bỏ quên trong một tầng hầm cho đến khi nhận được sự chú ý của một nhà hóa sinh học đã nghỉ hưu tên Dale Greenwalt.
Đội ngũ nghiên cứu thuộc phòng khoa học khoáng sản của Viện Smithsonian đã sử dụng một số kỹ thuật để xem xét mẫu vật, bao gồm kỹ thuật phổ tán sắc năng lượng tia X (energy dispersive X-ray spectroscopy). "Thứ đầu tiên mà chúng tôi nhận ra đó là phần bụng chứa đầy sắt, thứ mà bạn có thể tìm thấy ở trong máu," Greenwalt nói. Không chỉ vậy, khi phân tích bằng kỹ thuật khối phổ ion thứ cấp (secondary ion mass spectrometer), các nhà nghiên cứu nhận ra sự hiện diện ở phần bụng của heme, hợp chất khiến cho các tế bào hồng cầu có màu đỏ đặc trưng và cho phép chúng mang oxy đi khắp cơ thể. Những bộ phận khác của con muỗi không có hợp chất này.
Tất nhiên, các nhà nghiên cứu không có cách nào để xác định chủ nhân của số máu trong bụng con muỗi là loài động vật nào bởi ADN phân rã tương đối nhanh để có thể tồn tại qua 46 triệu năm trong đá. Nhưng chắc chắn, đó không phải là máu của khủng long phi điểu, bởi chúng đã tuyệt chủng trước đó đến 20 triệu năm.
Nguồn: Joseph Stromberg, "A Fossilized Blood-Engorged Mosquito Is Found For the First Time Ever" / Smithsonian Magazine
0 Nhận xét