NGƯỜI CHÂU PHI CÓ THỂ ĐÃ TÌM THẤY HÓA THẠCH KHỦNG LONG TỪ THẾ KỶ XII

[Mê Khủng Long TV] Thời điểm sớm nhất con người tìm thấy hóa thạch khủng long đích thực có thể là vào thế kỷ XII.

Trong một nghiên cứu gần đây, nhóm nghiên cứu đến từ Nam Phi do Julien Benoit đứng đầu đã tiết lộ rằng vào năm 1990, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy xương ngón tay (phalanx) hóa thạch của một con khủng long Massospondylus trong một hang động từng có con người cổ đại cư trú ở Bolahla, thuộc lãnh thổ Lesotho. 

Hóa thạch của một con Massospondylus được tìm thấy ở châu Phi. Ảnh: Scientific America.

Điều lạ là, trong hang động đó vốn không có hóa thạch khủng long. Rất có khả năng nó đã được mang từ nơi khác đến, có thể là từ những khu vực giàu hóa thạch ở gần đó (nơi hóa thạch của Massospondylus được tìm thấy rất nhiều). Họ làm thế có thể vì tò mò, sử dụng nó như một thứ trang sức hay đồ chơi, hoặc một thứ bùa chữa bệnh.

Thời điểm chiếc xương ngón tay này được thu thập và mang đến hang động gần như không thể xác định được. Nhưng các bằng chứng khác cho thấy hang động này từng có người cư trú từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVIII, do đó có khả năng chủ nhân của nó đã phát hiện ra hóa thạch khủng long trước Robert Plot, người đầu tiên mô tả và vẽ hình một hóa thạch khủng long, nhiều nhất là 500 năm (tức là vào thế kỷ XII).

Nguồn: "Africans discovered dinosaur fossils long before the term ‘palaeontology’ existed" / The Conversation.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét