TRÁI ĐẤT TỪNG CÓ VÀNH ĐAI MẢNH VỠ GIỐNG NHƯ SAO THỔ?

[Mê Khủng Long TVCách đây 466 triệu năm trước, Trái đất có thể đã từng có hệ thống vành đai giống như Sao Thổ, theo một nghiên cứu mới.

Hệ thống vành đai này được tạo ra từ mảnh vỡ của một tiểu hành tinh lớn đã va chạm với Trái đất trong khoảng thời gian từ 488-443 triệu năm trước, kỷ nguyên mà ngày nay chúng ta gọi là Kỷ Ordovic. Nó có thể đã gây ra sự giảm nhiệt toàn cầu và góp phần dẫn tới giai đoạn lạnh nhất trên Trái đất trong vòng 500 triệu năm trở lại đây.

Để đi tới kết quả này, nhóm nghiên cứu do giáo sư Andy Tomkins (ngành khoa học hành tinh tại Đại học Monash, Úc) đã sử dụng các mô hình điện toán mô phỏng sự chuyển động của các mảng kiến tạo để xác định vị trí của các hố va chạm với tiểu hành tinh được tìm thấy trên khắp thế giới khi chúng mới hình thành cách đây hơn 400 triệu năm trước. Họ nhận thấy toàn bộ các hố va chạm đều hình thành trên các lục địa trong phạm vi 30 độ quanh xích đạo, cho thấy chúng có thể được tạo ra từ các mảnh vỡ của một tiểu hành tinh lớn đã vỡ ra khi nó "sượt" qua Trái đất.

"Trong các tình huống thông thường, các tiểu hành tinh va chạm với Trái đất có thể va chạm ngẫu nhiên tại bất kỳ vĩ độ nào, như chúng ta thấy ở các hố va chạm trên Mặt Trăng, Sao Hỏa và Sao Thủy. Vì thế rất khó có khả năng 21 hố va chạm này không liên quan đến nhau khi chúng hình thành gần xích đạo như vậy."

Chuỗi các hố va chạm nằm quanh xích đạo của Trái đất rất khớp với một vành đai mảnh vỡ xoay quanh Trái đất, theo nhóm nghiên cứu. Đó là vì những vành đai như vậy thường hình thành ngay phía trên xích đạo của các hành tinh, như các vành đai mà ngày nay chúng ta còn thấy đang xoay quanh Sao Thổ, Sao Mộc, Sao Thiên Vương hay Sao Hải Vương. Tỷ lệ những hố va chạm như vậy được tạo ra bởi các vụ va chạm tiểu hành tinh ngẫu nhiên, không liên quan đến nhau chỉ là 1/25.000.000.

Họ cũng ước tính tiểu hành tinh đã tạo ra vành đai có đường kính 12,5km nếu nó là một "đống đổ nát" (tạm dịch từ "rubble pile", có nghĩa là một tiểu hành tinh được hình thành từ nhiều mảnh vỡ tích tụ lại với nhau nhờ tác động của trọng lực) hoặc nhỏ hơn một chút nếu là một tiểu hành tinh đặc. Khi nó vỡ ra ở vùng lân cận của Trái đất, các mảnh vỡ từ tiểu hành tinh này sẽ văng tứ tung trước khi tụ lại thành một vành đai mảnh vỡ xoay quanh Trái đất.

Những động vật cổ đại có thể đã chứng kiến điều này. Tranh của IsaiahCTorre / X.

Qua hàng triệu năm, vật chất từ vành đai này dần dần rơi xuống Trái đất, tạo ra sự gia tăng đột ngột các vụ va chạm với thiên thạch mà chúng ta có thể quan sát thấy trong dữ liệu địa chất. Trong các lớp đá trầm tích thuộc niên đại này có lượng mảnh vỡ thiên thạch không bình thường chút nào. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy các mảnh vỡ này đều thuộc một dạng thiên thạch cụ thể và có rất nhiều trong trầm tích đá vôi ở châu Âu, Nga và Trung Quốc, đồng thời tiếp xúc với bức xạ nền vũ trụ ít hơn nhiều so với các thiên thạch rơi xuống Trái đất ngày nay. Bên cạnh đó, các lớp trầm tích này cũng cho thấy dấu vết của những trận sóng thần liên tiếp diễn ra vào Kỷ Ordovic, và tất cả những dấu hiệu trên đều có thể được giải thích bằng tình huống một tiểu hành tinh lớn đã va chạm sượt với Trái đất rồi bị vỡ ra.

Nếu Trái đất từng có một vành đai giống như Sao Thổ, nó có thể tác động mạnh đến khí hậu của Trái đất. Nguyên nhân là do trục của Trái đất nghiêng tương đối so với quỹ đạo xoay quanh Mặt trời của nó, nên một vành đai như vậy sẽ để lại bóng trên bề mặt của hành tinh chúng ta, khiến nhiệt độ bề mặt giảm xuống.

Nguồn: Sharmila Kuthunur, "Earth had Saturn-like rings 466 million years ago, new study suggests" / Space.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét