NGHIÊN CỨU MỚI HÉ LỘ THỜI ĐIỂM KHỦNG LONG BẮT ĐẦU CÓ KHẢ NĂNG NỘI NHIỆT

[Mê Khủng Long TV] Khả năng nội nhiệt (endothermy) của khủng long có lẽ đã bắt đầu phát triển vào cuối Thế Jura sớm (tầng Toarc, khoảng 184,2-174,7 triệu năm trước).

Trong nghiên cứu mới, nhà cổ sinh vật học Alfio Alessandro Chiarenza và các cộng sự đã quan sát sự dịch chuyển của khủng long qua các khu vực khí hậu khác nhau trên Trái đất xuyên suốt Đại Trung sinh dựa trên 1.000 hóa thạch, các mô hình khí hậu và địa lý của giai đoạn này, cũng như cây tiến hóa của khủng long.

Họ nhận thấy hai trong ba nhóm khủng long chính là Theropoda và Ornithischia đã di chuyển tới các vùng khí hậu lạnh hơn vào Thế Jura sớm, cho thấy có lẽ đây chính là thời điểm mà chúng đã phát triển khả năng nội nhiệt (endothermy, năng lực tự sinh nhiệt từ trong cơ thể).

Tranh của Davide Bonadonna.

Ngược lại, nhóm còn lại là Sauropoda, bị giới hạn ở những vùng khí hậu ấm áp hơn của hành tinh.

Các nghiên cứu trước đó đã tìm thấy các đặc tính gắn với "máu nóng" ở các loài theropod và ornithischian, trong đó một số loài được biết đã có lông vũ hoặc tiền lông vũ, dùng để cách ly nhiệt độ cơ thể với nhiệt độ bên ngoài môi trường.

"Phân tích của chúng tôi cho thấy các ưu tiên khác nhau về khí hậu đã xuất hiện giữa các nhóm khủng long chính vào thời điểm sự kiện Jenkyns (hay còn gọi là sự kiện tuyệt chủng tầng Toarcian, theo tên kỳ cuối cùng của Thế Jura sớm) xảy ra, khi hoạt động núi lửa dồn dập dẫn tới sự nóng lên toàn cầu và sự tuyệt chủng của các nhóm thực vậy," tiến sĩ Chiarenza giải thích.

"Vào thời điểm đó, nhiều nhóm khủng long mới xuất hiện. Việc áp dụng chế độ nội nhiệt có lẽ là kết quả của cuộc khủng hoảng môi trường này, qua đó giúp khủng long theropod và ornithischian sinh sôi nảy nở ở những môi trường lạnh hơn, cho phép chúng trở nên năng động và duy trì hoạt động lâu hơn, để có thể phát triển và sinh trưởng nhanh hơn, đẻ nhiều con hơn."

"Theropoda là nhóm khủng long bao gồm chim và nghiên cứu của chúng tôi đề xuất rằng khả năng điều chỉnh thân nhiệt độc đáo của chim có lẽ đã có nguồn gốc từ Thế Jura sớm," theo Sara Varela, một nhà cổ sinh vật học đến từ Đại học Vigo. 

"Mặt khác, Sauropoda, nhóm khủng long ở lại các vùng khí hậu ấm áp hơn, phát triển tới kích cỡ khổng lồ cũng vào thời điểm này có lẽ cùng là một kiểu thích nghi khả dĩ khác với những áp lực môi trường. Tỷ lệ diện tích bề mặt so với thể tích nhỏ hơn đồng nghĩa với việc càng lớn thì tốc độ mất nhiệt càng giảm, cho phép chúng duy trì hoạt động lâu hơn."

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đã khảo sát xen liệu có phải sauropod ở lại những vùng có vĩ độ thấp để ăn thảm thực vật phong phú hơn thảm thực vật ở những khu vực lạnh lẽo gần vùng cực hơn hay không. Nhưng thay vào đó, họ nhận thấy khủng long sauropod có lẽ sinh sôi nảy nở ở những môi trường khô hạn, giống đồng cổ savannah ngày nay, càng củng cố thêm quan niệm sự giới hạn của chúng ở những khu vực khí hậu ấm áp có liên quan nhiều hơn đến thân nhiệt và sinh lý học của những động vật thiên về máu lạnh.

Thực chất vào thời điểm đó thì vùng cực ấm áp hơn hiện nay, với thảm thực vật cũng rất dồi dào.

Sự kiện Jenkyns xảy ra sau khi dung nham và khí ga núi lửa trào lên khỏi mặt đất từ những khe nứt dài trên bề mặt Trái đất, bao phủ nhiều khu vực rộng lớn của hành tinh.

"Nghiên cứu này gợi ý về một mối liên hệ chặt chẽ giữa khí hậu và sự tiến hóa của khủng long," theo tiến sĩ Juan Cantalapiedra, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Quốc gia Khoa học Tự nhiên Tây Ban Nha. "Nghiên cứu đã làm sáng tỏ thêm việc chim đã thừa hưởng một đặc tính sinh học độc đáo từ tổ tiên khủng long phi điểu như thế nào và các cách khác nhau được khủng long áp dụng để thích nghi với những thay đổi phức tạp và lâu dài của môi trường."

Nguồn: "Study: Warm-Bloodedness in Theropod and Ornithischian Dinosaurs Evolved by Early Jurassic" / Sci.News.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét