[Mê Khủng Long TV] Có "kẻ hủy diệt", nhưng cũng có "kẻ mang đến sự sống".
Cho đến nay, giả thuyết phổ biến nhất về nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của khủng long phi điểu vẫn là một tiểu hành tinh có đường kính 10km đã lao vào Trái đất, va chạm với bề mặt hành tinh của chúng ta tại một địa điểm ngoài khơi Mexico ngày nay. Không chỉ hủy diệt một lượng lớn sự sống với cú va chạm đó, tiểu hành tinh Chicxulub còn kích hoạt một chuỗi những sự kiện tiêu cực, dẫn đến sự biến đổi khí hậu trên Trái đất, sự sụp đổ của chuỗi thức ăn toàn cầu và qua đó, khiến toàn bộ khủng long phi điểu tuyệt chủng (bên cạnh nhiều thành viên của những nhóm động vật khác).
Tuy những cú va chạm giữa Trái đất và các tiểu hành tinh trong quá khứ có thể dẫn đến những hệ quả mang tính hủy diệt đối với sự sống, nhưng rất có thể chính sự sống trên Trái đất lại sinh sôi và bùng nổ sau một cú va chạm khác còn lớn hơn vụ va chạm Chicxulub gấp nhiều lần.
Trong một nghiên cứu mới đây đăng trên tập san Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà khoa học đã khám phá ra một vụ va chạm giữa tiểu hành tinh với Trái đất diễn ra cách đây khoảng 3,3 tỷ năm, giai đoạn mà Hệ Mặt trời vẫn còn non trẻ và các vụ va chạm như vậy diễn ra thường xuyên hơn. Bằng chứng về vụ va chạm đã được khai quật bởi một đội ngũ các nhà nghiên cứu do nhà địa chất học đang công tác tại Đại học Harvard Nadja Drabon đứng đầu ở vùng vành đai Barbeton Greenstone, Nam Phi. Họ đã miệt mài thu thập các mẫu đá, nghiên cứu thành phần hóa học của chúng, phân tích sự phân bố của các đồng vị carbon khác nhau trong các mẫu đá này. Nhờ đó, họ có thể kể câu chuyện về những gì đã xảy ra 3,3 tỷ năm trước.
Tiểu hành tinh gây ra vụ va chạm được gọi là S2, có kích thước lớn gấp 200 lần tiểu hành tinh Chicxulub. S2 đã đâm vào Trái đất khi mà sự sống trên hành tinh của chúng ta chỉ là những sinh vật đơn bào đơn giản. Tại địa điểm được xác định là ngoài khơi Cape Cod (Nam Phi) ngày nay, S2 đã va chạm với Trái đất, tạo ra một vụ nổ kinh hoàng nhưng cũng đồng thời kích hoạt sự bùng nổ số lượng vi khuẩn và cổ khuẩn trên Trái đất.
Khi vụ va chạm xảy ra, năng lượng từ nó đã gây ra một cơn sóng thần khổng lồ khiến các mảnh vỡ phân tán khắp thềm đại dương cũng như các vùng đất ven biển. Sức nóng khủng khiếp từ vụ va chạm có lẽ đã làm bốc hơi tầng trên của đại dương, đồng thời làm nóng bầu khí quyển Trái đất.
Không chỉ vậy, mảnh vỡ và bụi từ vụ va chạm cũng bay lên bầu khí quyển, tạo thành một lớp màn dày đặc ngăn ánh Mặt trời chiếu tới mặt đất, khiến cho các dạng sống đơn giản không thể chuyển hóa ánh Mặt trời thành năng lượng qua quá trình quang hợp. Tuy nhiên, các vi khuẩn sẽ nhanh chóng vượt qua biến cố này. Nhóm nghiên cứu tin rằng các sinh vật đơn bào ăn các nguyên tố như sắt và phốt pho đã có sự bùng nổ số lượng sau vụ va chạm với S2, bởi sắt vốn nằm sâu dưới đại dương đã bị vụ va chạm làm tung lên, theo cơn sóng thần đáp xuống các vùng nước nông. Lượng phốt pho cũng trở nên dồi dào do sự xói mòn của các vùng đất ven biển cũng như phốt pho từ chính S2 mang đến.
Giả thuyết của nhóm nghiên cứu là các vi khuẩn ăn sắt có lẽ đã bắt đầu sinh sôi nảy nở sau sự kiện này, mặc dù có thể trong thời gian tương đối ngắn. Sự biến chuyển có lợi cho các vi khuẩn ăn sắt là một trong những mảnh ghép còn thiếu của bí ẩn về giai đoạn sơ khai nhất của sự sống trên Trái đất.
Đây đã là khám phá thứ 8 về một vụ va chạm với tiểu hành tinh trong khu vực mà nghiên cứu của Drabon và các cộng sự được tiến hành. Họ sẽ tiếp tục thăm dò khu vực, săn lùng các bằng chứng về va chạm giữa tiểu hành tinh với Trái đất, những cơn sóng thần cùng các sự kiện có tính xúc tác khác để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự sống sơ khai trên Trái đất.
Nguồn: Robert Lea, "A meteorite 200 times bigger than the dinosaur-killing asteroid helped life on Earth flourish" / Space.
0 Nhận xét