[Mê Khủng Long] Được đặt tên là Archaeocursor asiaticus, loài mới này là loài khủng long hông chim phân nhánh sớm nhất được phát hiện ở châu Á, theo một nhóm các nhà cổ sinh vật học từ Trung Quốc.
Archaeocursor asiaticus sống ở khu vực hiện nay là Tây Nam Trung Quốc trong Thế Jura sớm, khoảng 193 triệu năm trước. Nó dài khoảng 1 m và thuộc nhóm khủng long ăn thực vật gọi là Ornithischia, tức "khủng long hông chim".
Tranh của PaleoHistoric / Deviant Art. |
“Ornithischia, một nhánh nổi bật của khủng long, đã đa dạng hóa thành nhiều dạng khác nhau như giáp long, kiếm long, áp long (khủng long mỏ vịt), giác long và hậu đầu long trong suốt Đại Trung Sinh,” nhà cổ sinh vật học Dao Tây từ Đại học Vân Nam và các đồng nghiệp cho biết.
“Cùng với các loài khủng long phi điểu khác, chúng đã đối mặt với sự tuyệt chủng vào cuối Kỷ Phấn Trắng, tuy nhiên lịch sử tiến hóa ban đầu của chúng vẫn còn gây tranh cãi.”
“Trong Thế Jura sớm, hóa thạch khủng long hông chim rất phong phú và đa dạng ở siêu lục địa Gondwana. Ngược lại, dữ liệu hóa thạch của khủng long hông chim ở Laurasia thuộc niên đại này ít đa dạng hơn và chủ yếu bao gồm các loài khủng long bọc giáp.”
Một xương đùi trái gần như hoàn chỉnh của Archaeocursor asiaticus được tìm thấy tại Hệ tầng Tự Lưu Tỉnh, khoảng 2 km về phía Bắc của Công viên Trung tâm Trùng Khánh ở quận Du Bắc, Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc.
Theo nhóm nghiên cứu, A. asiaticus có mối quan hệ gần gũi với loài Eocursor parvus ở Gondwana.
Phát hiện này gợi ý về một sự kiện phát tán sớm hơn của khủng long hông chim Thế Jura sớm từ Gondwana đến Laurasia, bao gồm cả Đông Á, dường như diễn ra độc lập và có thể sớm hơn sự phát tán của khủng long bọc giáp.
“Cấu trúc phát sinh loài mới được đề xuất trong nghiên cứu cho thấy một sự phát tán độc lập bổ sung của khủng long hông chim vào Đông Á trong Thế Jura sớm,” các nhà nghiên cứu cho biết. “Mối quan hệ gần gũi giữa Archaeocursor asiaticus và Eocursor parvus, mặc dù có môi trường sống xa nhau, cho thấy một nguồn gốc có thể từ Gondwana, sau đó di cư về phía Bắc đến Laurasia và cuối cùng đến Đông Á trong Tầng Pliensbach.”
“Thời điểm có thể là trước khi khủng long bọc giáp đến khu vực này.”
“Hơn nữa, cấu trúc phát sinh loài mới này đặt ra giả thuyết về sự tồn tại của một nhánh có phạm vi toàn cầu chưa được công nhận trước đây của khủng long hông chim sơ khai, nằm giữa họ Heterodontosauridae và nhánh Thyreophora về mặt phát sinh loài.”
“Tuy nhiên, do sự rời rạc của mẫu định danh Archaeocursor asiaticus, cơ sở của nhánh này vẫn còn tạm thời và cần chờ đợi các phát hiện hóa thạch bổ sung.”
Bài báo của nhóm nghiên cứu đã được xuất bản trong tháng này trên tạp chí iScience.
Nguồn: Enrico de Lazaro, "New Species of Herbivorous Dinosaur Discovered in China" / Sci.News.
0 Nhận xét