[Mê Khủng Long] Cuộc tranh luận về nguyên nhân khiến khủng long phi điểu tuyệt chủng lại có diễn biến mới khi các nhà khoa học về khí hậu đến từ Đại học Utrecht (Hà Lan) và Đại học Manchester (Anh) công bố nghiên cứu mới phủ nhận sự phun trào núi lửa là nguyên nhân chính khiến khủng long tuyệt chủng.
Như các bạn có thể đã biết, vụ va chạm tiểu hành tinh ở Vịnh Mexico cách đây khoảng 66 triệu năm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và được công nhận rộng rãi là nguyên nhân gây ra sự kết thúc của Thời đại Khủng long. Nhưng một số nhà khoa học vẫn tranh luận gay gắt trong nhiều thập niên về việc liệu một lượng lớn dung nham tràn ra trên lục địa Ấn Độ, xảy ra cả trước và sau vụ va chạm tiểu hành tinh, có góp phần vào sự diệt vong của các quần thể khủng long trên Trái Đất hay không.
Các vụ phun trào núi lửa này đã giải phóng một lượng lớn carbon dioxide, bụi và lưu huỳnh, do đó làm thay đổi đáng kể khí hậu trên Trái Đất - nhưng theo những cách khác nhau và trên các quy mô thời gian khác nhau so với vụ va chạm tiểu hành tinh.
Nghiên cứu mới cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng mặc dù các vụ phun trào núi lửa ở Ấn Độ có ảnh hưởng rõ rệt đến khí hậu toàn cầu, nhưng chúng có thể ít hoặc không ảnh hưởng đến sự tuyệt chủng hàng loạt của khủng long.
Bằng cách phân tích các phân tử hóa thạch trong các lớp than bùn cổ đại từ Hoa Kỳ, nhóm nghiên cứu khoa học đã tái tạo lại nhiệt độ không khí cho khoảng thời gian bao gồm cả các vụ phun trào núi lửa và vụ va chạm tiểu hành tinh. Sử dụng phương pháp này, các nhà nghiên cứu cho thấy một vụ phun trào núi lửa lớn đã xảy ra khoảng 30.000 năm trước khi tiểu hành tinh va chạm, trùng hợp với sự giảm nhiệt toàn cầu khoảng 5 độ C. Họ cũng kết luận rằng sự giảm nhiệt này có thể là kết quả khi phát thải lưu huỳnh từ núi lửa ngăn chặn ánh sáng Mặt trời tiếp cận bề mặt Trái đất.
Quan trọng là, các nhà khoa học phát hiện rằng khoảng 20.000 năm trước khi tiểu hành tinh va chạm, nhiệt độ trên Trái Đất đã ổn định và đã tăng trở lại nhiệt độ tương tự trước khi các vụ phun trào núi lửa bắt đầu. Giai đoạn ấm lên toàn cầu này có thể do phát thải carbon dioxide từ núi lửa gây nên, theo Lauren O'Connor tại Đại học Utrecht. Do đó, đây không thể là nguyên nhân khiến khủng long phi điểu tuyệt chủng.
Với các tác động của hoạt động núi lửa gần như bị loại trừ, chỉ còn khả năng vụ va chạm tiểu hành tinh Chicxulub là nguyên nhân chính gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt của khủng long.
"Nếu so sánh, vụ va chạm tiểu hành tinh đã gây ra một chuỗi thảm họa, bao gồm cháy rừng, động đất, sóng thần và một 'mùa đông va chạm' chặn ánh sáng Mặt trời và tàn phá các hệ sinh thái. Chúng tôi tin rằng tiểu hành tinh này đã gây ra cú đánh chí mạng," Rhodri Jerrett tại Đại học Manchester cho biết.
Các lớp than bùn hóa thạch mà các nhà nghiên cứu phân tích chứa các phân tử màng đặc biệt được sản xuất bởi vi khuẩn. Cấu trúc của các phân tử này thay đổi tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường của chúng. Bằng cách phân tích thành phần của các phân tử được bảo tồn trong các trầm tích cổ đại này, các nhà khoa học có thể tính toán nhiệt độ trong quá khứ.
O'Connor bổ sung: "Bằng cách này, chúng tôi có thể tạo ra một 'dòng thời gian của nhiệt độ' chi tiết cho những năm dẫn đến sự tuyệt chủng của khủng long, mà chúng tôi có thể so sánh với hồ sơ hóa thạch để hiểu rõ thời gian tương đối của các sự kiện."
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Utrecht, Đại học Manchester, Đại học Plymouth và Bảo tàng Tự nhiên và Khoa học Denver hiện đang áp dụng phương pháp tương tự để tái tạo lại khí hậu trong quá khứ tại các thời kỳ quan trọng khác trong lịch sử Trái Đất.
Nghiên cứu này được công bố trên tập san Science Advances.
Nguồn: "Massive volcanic eruptions did not cause the extinction of dinosaurs, say climate scientists" / Phys.
0 Nhận xét