PHÁT HIỆN MỚI VỀ MÀU LÔNG CỦA ĐỘNG VẬT CÓ VÚ ĐẠI TRUNG SINH

[Mê Khủng LongThông qua phân tích melanosome trong các mẫu lông hóa thạch của động vật có vú thuộc Đại Trung sinh, một nhóm các nhà cổ sinh vật học, địa chất học và sinh học quốc tế đã phát hiện ra rằng chúng rất có thể có bộ lông tối màu và kém rực rỡ như nhau. Trong bài báo được đăng trên tập san Science, nhóm nghiên cứu đã mô tả cách họ tạo ra mô hình dự đoán để phân tích hình thái của melanosome trong các mẫu lông hóa thạch.

Trong khoảng một thập niên vừa qua, các nhà khoa học khám phá ra rằng họ có thể dựa vào melanosome từ lông và da của hóa thạch khủng long để tìm ra màu sắc của chúng. Melanosome là một loại bào quan trong tế bào, chịu trách nhiệm về sắc tố. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các mô hình melanosome có thể được sử dụng để xác định màu sắc của lông, da hoặc lông vũ.

Tranh minh họa của Zhao Chuang, Li Ruoshang.

Điều này đã dẫn đến việc các nhóm nghiên cứu khác tìm hiểu về màu sắc của nhiều loài khủng long. Trong nghiên cứu mới này, nhóm nghiên cứu tự hỏi liệu điều tương tự có đúng với động vật có vú sống vào thời kỳ của khủng long hay không.

Để tìm hiểu, nhóm nghiên cứu đầu tiên phân tích hình thái melanosome từ 116 loài động vật có vú đang tồn tại, sử dụng kính hiển vi điện tử và phổ học để ghi lại hình thái melanosome. Sau đó, họ sử dụng hình ảnh và các hình thái melanosome này để đào tạo một mô hình dự đoán. Tiếp theo, họ ghi lại hình ảnh theo cách tương tự từ sáu hóa thạch động vật có vú thuộc Đại Trung sinh và sau đó sử dụng mô hình để nhận diện các hình thái. Mô hình cho thấy tất cả các loài động vật được nghiên cứu có lẽ sở hữu bộ lông màu tối và kém rực rỡ y hệt nhau.

Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả của họ không gây bất ngờ; nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các loài động vật có vú sống cùng thời với khủng long có kích thước nhỏ và hoạt động ban đêm. Hầu hết các loài động vật nhỏ và sống về đêm ngày nay, chẳng hạn như chuột chũi hoặc chuột đồng, đều có lông tối màu và đồng nhất. Điều này giúp chúng khó bị các loài săn mồi như cú phát hiện.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, sau khi khủng long tuyệt chủng, các loài động vật có vú đã đa dạng hóa để lấp đầy các ngách sinh thái mà chúng để lại và phát triển màu da và lông phù hợp hơn với các môi trường đa dạng. Nhóm nghiên cứu kết luận thêm rằng hàm lượng melanin cao trong các mẫu lông mà họ nghiên cứu có thể mang lại những lợi ích khác, chẳng hạn như giúp điều hòa nhiệt hoặc tăng cường độ bền cơ học.

Nguồn: Bob Yirka, "Melanosome patterns in Mesozoic mammals suggest they had dark, uniformly dull fur coloring" / Phys.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét