[Mê Khủng Long] Vì sao không nên đánh tráo khái niệm "hồi sinh động vật đã tuyệt chủng" với "tạo ra những cá thể trông giống động vật tiền sử từ một loài đang tồn tại"?
Trong một bài đăng trên X nhân sự kiện "hồi sinh sói khổng lồ (dire wolf, Aenocyon dirus)", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hoa Kỳ Doug Burgum viết rằng Bộ Nội vụ rất hào hứng trước tiềm năng của công nghệ de-extinction mà Colossal Biosciences giới thiệu, và hy vọng rằng trong tương lai nó có thể được ứng dụng không chỉ để hồi sinh các loài đã mất, mà còn góp phần tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, hỗ trợ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Ông cho rằng việc chúng ta có thể hồi sinh các loài tuyệt chủng (hoặc có nguy cơ) sẽ khiến việc tồn tại một danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng (endangered list) không còn cần thiết nữa. Thay vì quản lý và điều chỉnh những hành vi gây hại cho các loài hoang dã của con người, Bộ trưởng Doug nói việc bảo tồn nên tập trung vào "đổi mới" (nghĩa là những thành tựu như Colossal Bioscience đã làm được). Hiểu nôm na là nếu một loài nào đó có nguy cơ tuyệt chủng hoặc tuyệt chủng, chỉ cần dùng công nghệ nhằm khôi phục quần thể/hồi sinh chúng là được, việc đặt ra những quy định ngặt nghèo nhằm bảo vệ quần thể cũng như môi trường sống của chúng không còn cần thiết.
![]() |
Bài đăng của Bộ trưởng Doug Burgum trên X. |
Tuy nhiên, một số người cho rằng đây là một quan điểm gây tranh cãi. Họa sĩ cổ sinh Hodari Nundu viết về bài đăng của Bộ trưởng Durgum: "Đây thực sự là điều rất đáng lo ngại. Việc hồi sinh giả tạo các loài tuyệt chủng của các tập đoàn sẽ làm giảm giá trị của những loài đang gặp nguy hiểm. Các chính phủ sẽ không mong gì hơn ngoài việc loại bỏ danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng để chúng không cản trở họ. Điều này thật tệ."
Một người dùng khác có nickname DavidAttenbruh viết: "Đây chính xác là điều tôi lo sợ. Cách tiếp cận này đang được xem như một giải pháp kỳ diệu cho cuộc khủng hoảng tuyệt chủng. Chỉ mất chưa đầy 24 giờ để Bộ trưởng Nội vụ dưới thời Trump sử dụng nó như một lý do để kêu gọi bãi bỏ Đạo luật Các loài có Nguy cơ Tuyệt chủng (Endangered Species Act)."
Trên thực tế, hầu hết các chuyên gia, cũng như ngay trong chính bài viết của tạp chí TIME về sự kiện "hồi sinh sói khổng lồ" của Colossal Biosciences cũng khẳng định công ty công nghệ sinh học này không "hồi sinh" loài sói khổng lồ đã tuyệt chủng như những gì chúng ta đã nghĩ bấy lâu nay. Họ chỉ chỉnh sửa 14 gen của sói xám để lấy 20 đặc điểm được cho là giống với sói khổng lồ (trong đó chỉ có 15/20 được suy luận trực tiếp từ bộ gen của sói khổng lồ, 5 đặc điểm còn lại liên quan đến bộ lông sáng màu mà không ai dám chắc rằng đó thật sự là màu lông của sói khổng lồ).
Các nhà khoa học đã đưa ra những định nghĩa về loài tương đối chặt chẽ (dù vẫn còn những tranh cãi): về cơ bản, loài là nhóm các quần thể tự nhiên có khả năng giao phối với nhau để sinh sản ra thế hệ tương lai và tương đối cách ly sinh sản với các nhóm khác. Ba con sói Romulus, Remus và Khaleesi liệu đã cách ly sinh sản với những con sói xám bình thường hay chưa? Nếu không thỏa mãn điều này, chúng thậm chí còn chưa thể gọi là một loài mới chứ đừng nói đến việc là một loài đã tuyệt chủng được hồi sinh.
Một số bạn cho rằng, việc hồi sinh một loài đã tuyệt chủng hoàn toàn có thể được tiến hành bằng cách cắt ghép, chỉnh sửa bộ gen của những loài đang tồn tại (nhất là các loài họ hàng gần) sao cho khớp với bộ gen của loài đó là được. Nghe có vẻ khá hợp lý, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Sự cách biệt lên tới hàng triệu năm tiến hóa đã khiến cho các mã gen được gắn kết theo những cách cực kỳ tinh tế và phức tạp mà những chỉnh sửa đơn giản không thể hoàn toàn thay thế được. Chẳng hạn, theo tiết lộ của chính Colossal Biosciences, sói khổng lồ có 3 gen chịu trách nhiệm tạo ra bộ lông sáng màu, nhưng việc can thiệp vào các gen này ở sói xám có thể khiến chúng bị điếc và bị mù (what, họ đã làm gì để biết được điều đó?), vì thế đội ngũ của công ty này đã điều chỉnh hai gen khác để "tắt" các sắc tố đen và đỏ nhằm tạo ra bộ lông màu trắng như chúng ta thấy mà không gây hại cho những con sói được chỉnh sửa gen. Đó là họ mới chỉnh sửa 14 gen, nếu con số nhiều hơn thì sao?
Thế nên, xin khẳng định một lần nữa: với công nghệ hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể hồi sinh các loài đã tuyệt chủng, và việc bảo vệ những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng nhằm giữ gìn đa dạng sinh học vẫn là một nỗ lực cần được ưu tiên. Công nghệ có thể giúp ích nhưng không thể thay thế hoàn toàn những nỗ lực bảo tồn của con người.
0 Nhận xét