HÓA THẠCH MÔNG CỔ LƯU LẠC ĐƯỢC XÁC ĐỊNH LÀ LOÀI MỚI, CÓ QUAN HỆ GẦN GŨI VỚI VELOCIRAPTOR

[Mê Khủng LongShri rapax là một loài khủng long chân thú mới được xác định thuộc phân họ Velociraptorinae (họ Dromaeosauridae) có niên đại Phấn Trắng muộn, với hóa thạch có lẽ được khai quật từ Thành hệ Djadokhta, Mông Cổ. Loài này là loài thứ hai thuộc chi Shri, sau Shri devi (Turner và cộng sự, 2021).

Mẫu định danh của Shri rapax, ký số MPC-D 102/117, là một mẫu vật đã bị buôn lậu bất hợp pháp khỏi Mông Cổ khoảng trước năm 2010, sau đó được cất giữ trong các bộ sưu tập cá nhân tại Nhật Bản và Anh. Một công ty Pháp tên là Eldonia đã mua lại mẫu vật này và vào năm 2016, phần hộp sọ cùng bốn đốt sống cổ đầu tiên đã được đưa đến Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ để quét hình ảnh.

Hóa thạch và phục dựng ngoại hình của Shri rapax.

Quá trình đàm phán sau đó đã đưa đến quyết định trao trả lại mẫu vật cho Mông Cổ và nhờ đó, các nhà cổ sinh vật học có điều kiện để nghiên cứu toàn bộ mẫu vật này, một bộ xương tương đối hoàn chỉnh, ngoài hộp sọ còn có hầu hết cột sống (cổ, lưng, xương cùng và đuôi) cùng các xương sườn liên kết, cả hai bản xương ức, một bộ đầy đủ các xương bụng (gastralia), xương vai trái, cả hai xương quạ, chạc xương đòn, toàn bộ chi trước và bàn tay phải, một khung chậu hoàn chỉnh (gồm cả phần bên trái và phải), một phần của cả hai xương đùi.

Năm 2025, nhà cổ sinh vật Léa Moutrille và cộng sự đã mô tả cũng như xác định đây là một loài mới trong họ Dromaeosauridae, có họ hàng gần với loài Shri devi trước đó. Họ quyết định thành lập loài thứ hai trong chi Shri là Shri rapax cho mẫu vật này. Tên chi Shri lấy theo Shri Devi, một tên khác của Palden Lahmo, vị nữ hộ pháp duy nhất trong nhóm 8 hộ pháp lớn của Phật giáo. Tên loài rapax lấy từ tiếng Latin "rapacious", có nghỉa là "tham tàn", ngụ ý về chiếc móng vuốt lớn có dạng lưỡi liềm nằm trên ngón tay thứ nhất của con khủng long.

Shri deviShri rapax đều có quan hệ rất gần gũi với Velociraptor. Trong phân tích phát sinh loài, các nhà cổ sinh vật học xếp chi Shri làm danh pháp chị em với chi Velociraptor. Shri rapaxVelociraptor thậm chí đã tồn tại cùng một niên đại, trong cùng một khu vực (Thành hệ Djadokhta). Tuy có nhiều điểm giống nhau, Shri rapax cũng có những đặc điểm khác biệt, ngụ ý sự khác biệt trong cách thức đi săn và xử lý con mồi so với Velociraptor: hộp sọ ngắn và bè hơn, với hàng răng kéo dài về phía sau và đường nối giữa xương gò má và xương hàm trên có dạng đan xen, cho thấy lực cắn mạnh hơn so với Velociraptor; bàn tay cực kỳ khỏe, đặc biệt là móng vuốt ở ngón thứ nhất (ngón cái) có kích thước lớn hơn tỷ lệ ở bất kỳ loài nào trong phân họ Velociraptorinae. 

Do đó, Shri rapax Velociraptor có thể tồn tại cạnh nhau nhờ một hiện tượng là phân chia ngách sinh thái. Mỗi loài có thể đã khai thác kích thước con mồi hoặc chiến lược săn mồi khác nhau để tránh cạnh tranh trực tiếp. Velociraptor nghiêng về các con mồi nhanh, nhỏ như thằn lằn hay động vật có vú cỡ vừa, thì Shri rapax, với bộ chi trước đầy sức mạnh và hàm khỏe, có thể nhắm đến những mục tiêu to lớn hơn hoặc khó nhằn đối với Velociraptor.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét