[Mê Khủng Long] Một hóa thạch khủng long vừa được phát hiện ngay bên dưới bãi đậu xe của Bảo tàng Thiên nhiên và Khoa học Denver, khiến giới cổ sinh vật học không khỏi bất ngờ. Mẫu vật được tìm thấy vào tháng Một năm 2025 trong quá trình khoan địa chất để khảo sát lớp đá ngầm, phục vụ cho dự án chuyển đổi hệ thống năng lượng của bảo tàng sang địa nhiệt.
![]() |
Hóa thạch khủng long chân chim được tìm thấy trong mẫu lõi đá khi khoan thăm dò địa chất tại Bảo tàng Thiên nhiên và Khoa học Denver. Ảnh: Richard M. Wicker. |
Mảnh hóa thạch có hình đĩa, đường kính khoảng 6,4 cm, được xác định là một đốt sống của loài khủng long ăn thực vật thuộc nhóm khủng long chân chim (Ornithopoda) từng sinh sống ở khu vực này hơn 67 triệu năm trước, vào cuối Kỷ Phấn Trắng. Đây là hóa thạch sâu nhất từng được phát hiện trong khu vực Denver, nằm ở độ sâu khoảng 230 mét dưới mặt đất.
Theo tiến sĩ James Hagadorn, giám tuyển địa chất của bảo tàng, đây là lần đầu tiên một hóa thạch khủng long chân chim được tìm thấy trong phạm vi thành phố Denver. Trước đó, các loài như Tyrannosaurus rex, Triceratops hay Torosaurus đã được ghi nhận ở vùng ngoại ô, nhưng chưa từng có bằng chứng về sự hiện diện của khủng long chân chim trong nội đô.
Điều đặc biệt là hóa thạch này được phát hiện trong một mẫu lõi đá, một phương pháp khoan thường dùng để nghiên cứu địa tầng, chứ không phải để tìm hóa thạch. Trên thế giới, chỉ có hai trường hợp khác từng ghi nhận hóa thạch khủng long trong lõi đá, và đây là mẫu đầu tiên được trưng bày công khai tại bảo tàng.
![]() |
Nó được xác định là đốt sống của một con khủng long chân chim từng sống tại khu vực này vào cuối Kỷ Phấn Trắng. Ảnh: Bảo tàng Thiên nhiên và Khoa học Denver. |
Dù phần còn lại của bộ xương vẫn nằm sâu dưới lòng đất, bảo tàng không có kế hoạch khai quật thêm do hạn chế về cơ sở hạ tầng. "Chúng tôi không thể đào cả bãi đậu xe được," Hagadorn chia sẻ hài hước. "Nhưng ít nhất, giờ mọi người có thể đậu xe ngay phía trên một con khủng long."
Phát hiện này đã thúc đẩy các nhà khoa học sử dụng dữ liệu vệ tinh, bản đồ địa chất và hệ thống GIS để xác định tuổi địa tầng của các hóa thạch từng được tìm thấy trong khu vực Denver. Nhờ đó, họ có thể định tuổi chính xác hơn cho các mẫu vật, bao gồm cả hóa thạch khủng long chân chim mới này.
Theo tiến sĩ Paul Olsen từ Đại học Columbia, phát hiện này là minh chứng cho việc hóa thạch có thể tồn tại ở những nơi không ngờ tới, kể cả giữa lòng thành phố. Nó cũng cho thấy tiềm năng của các phương pháp nghiên cứu hiện đại trong việc khám phá lịch sử Trái đất, từ biến đổi khí hậu đến các sự kiện tuyệt chủng hàng loạt.
Nguồn: Taylor Nicioli, "Dinosaur fossil found underneath a Denver museum’s parking lot" / CNN.
0 Nhận xét