NESSIE "LỌT GIỮA HAI LÀN ĐẠN" CỦA CUỘC CHIẾN VĂN HÓA TRONG LÒNG LIÊN HIỆP ANH

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnMặc dù được xem là một trong những biểu tượng của đất nước Scotland, có vẻ không phải ai ở đất nước này cũng thích Nessie.

Mùa xuân năm 2023 là kỷ niệm 90 năm sự ra đời (hay lần đầu tiên xuất hiện trên truyền thông) của Quái vật Hồ Loch Ness, hay còn được gọi với cái tên thân thương Nessie. 

Năm 1933, một con đường mới mở tên là A82 đã giúp cho chiếc hồ tự nhiên từng rất hẻo lánh tên là Loch Ness trở nên dễ tiếp cận đối với con người hơn. Một số người đã thích thú lái xe hơi hoặc xe máy trên con đường này để đến ngắm cảnh hồ. Tuy nhiên, vào ngày 2 tháng Năm năm 1933, truyền thông và dư luận Vương quốc Anh xôn xao với một tin tức được đăng trên tờ báo địa phương Inverness Courier, trong đó thuật lại lời của một cặp vợ chồng cho biết họ đã nhìn thấy một sinh vật có thân hình "giống cá voi" bất ngờ nổi lên trên mặt hồ, biến cả một vùng nước tĩnh lặng thành một cái "vạc đang sôi vô cùng đáng sợ".

Một trong những bức ảnh nổi tiếng góp phần tạo nên huyền thoại về Nessie.

Tin tức này chưa được kiểm chứng thực hư thì không lâu sau, câu chuyện "quái vật hồ Loch Ness" tiếp tục được đẩy lên cao trào khi một cặp đôi lái xe mô-tô có họ là Spicer cho biết họ đã thấy "Nessie" băng qua đường, trong miệng ngậm một con cừu dính đầy máu tươi.

Kể từ đó, rất nhiều những báo cáo khác về việc nhìn thấy sự xuất hiện của Nessie được đăng tải, biến con quái vật này trở thành một huyền thoại thời hiện đại và khiến hồ Loch Ness trở thành một địa điểm du lịch cực kỳ nổi tiếng. Dường như ai cũng muốn mình là người tiếp theo nhìn thấy nó.

Về sau, con người đã huy động nhiều phương tiện hiện đại để tìm kiếm sự hiện diện của Nessie nhưng không có kết quả. Dù vậy, Nessie vẫn trở thành một trong những biểu tượng đáng nhớ nhất khi nói đến Scotland.

Tuy nhiên, trong dịp kỷ niệm sinh nhật 90 năm của mình, Nessie bất ngờ lọt vào giữa một cuộc chiến văn hóa và chính trị. Như các bạn có thể đã biết, Scotland hiện đang là một phần của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nhưng trong lòng đất nước này vẫn tồn tại tư tưởng giành độc lập. Đảng cầm quyền tại Scotland hiện tại, Đảng Dân tộc Scotland (Scottish National Party, SNP) là một tổ chức chính trị có tư tuổng như vậy. Theo Mercatornet, hồi tháng Ba năm 2022, Đảng này được cho là đã soạn ra một giáo án môn Nghiên cứu xã hội dài 17 trang dự kiến dùng cho các trường cấp 2 trên cả nước, trong đó ngầm sử dụng Nessie như một công cụ tuyên truyền tư tưởng chống Anh cho học sinh. Trong một câu được trích từ tài liệu này, đội ngũ biên soạn viết rằng Nessie là biểu tượng sống cho "vị thế đầy mâu thuẫn của Scotland trong Liên hiệp".

Tại sao lại như vậy? Bởi SNP cho rằng, Nessie chỉ là một biểu tượng mà những người Anh kiêu ngạo dùng để ám chỉ rằng người Scotland là những đứa trẻ ngốc nghếch, dại khờ thích tin vào sự tồn tại của rồng và do đó, nên bị cai trị bởi những "người lớn khôn ngoan" (tức người Anh): "Chính suy nghĩ có một quái vật tiền sử sống trong một cái hồ ở Scotland càng làm sâu đậm định kiến rằng, Scotland - trái với nước Anh - là một xứ sở hoang dã hẻo lánh, bị sự tiến bộ bỏ quên... Việc khắc họa con quái vật [trên truyền thông] hàm ý rằng mặc dù đây là một xứ hoang dã 'nguyên thủy' trước khi nhà nước Liên hiệp Anh ra đời [thành lập theo Đạo luật Liên hiệp 1707], nhà nước hiện đại vẫn có thể kiểm soát nó bằng các kiến thức và công nghệ tiên tiến."

Hình tượng Nessie đang bị lợi dụng bởi các mưu đồ và thủ đoạn chính trị?

Russell Findlay, một nghị sĩ quốc hội Scotland thuộc Đảng Bảo thủ và Liên hiệp đã tố cáo Bộ trưởng Giáo dục vốn là người của SNP, bà Shirley-Anne Sommerville đang "cố gắng tẩy não học sinh" và "lợi dụng Nessie thân yêu", đồng thời đề nghị "loại bỏ thứ tài liệu tuyên truyền kỳ cục và đáng xấu hổ kia khỏi chương trình giáo dục". Đáp lại, bà Sommerville cho biết SNP không hề lợi dụng Nessie để vận động cho sự độc lập của Scotland, giáo án là do những nhà giáo dục độc lập soạn thảo và không bắt buộc sử dụng tại các trưởng học.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Nessie bị sử dụng trong các phong trào chính trị, thậm chí là theo hướng ngược lại, tức dùng để chống chính người Scotland. Tháng Mười một năm 2014, sau khi Alex Salmond, người về sau trở thành lãnh đạo của SNP, thất bại trong việc thuyết phục người dân bỏ phiếu cho sự đôc lập của Scotland, một hình nộm biếm họa lớn của ông đã bị thiêu rụi trong lễ hội Đêm pháo hoa (Bonfire Night) thường niên tại thị trấn Lewes, Anh. Chung số phận với hình nộm của Alex Salmond là một mô hình Nessie đội chiếc mũ Tam o'Shanter truyền thống của Scotland. Đó chẳng khác nào một sự sỉ nhục đối với người Scotland cả, nhưng sau đó không có ai phải chịu trách nhiệm cho hành động đầy tính thù ghét và phân biệt này, để lại nhiều dấu hỏi cho dư luận ở cả Scotland và Anh.

Nguồn: Steven Tucker, "The Loch Ness Racist: colonialist dinosaurs are the latest evolution in Britain’s culture-wars" / Mercatornet.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét