PHÁT HIỆN MỚI TIẾT LỘ MỐI QUAN HỆ CỘNG SINH HƠN 100 TRIỆU NĂM GIỮA KHỦNG LONG VÀ BỌ ĂN LÔNG

[Mê Khủng Long - Dinophile.vn] Những mối quan hệ cộng sinh không hề hiếm gặp trong thế giới động vật, nhưng chúng ta thường không có nhiều bằng chứng về việc chúng bắt đầu từ khi nào.

Những hóa thạch mới trong hổ phách đã tiết lộ rằng một số loài bọ đã kiếm ăn trên lông của khủng long từ khoảng 105 triệu năm trước, cho thấy mối quan hệ cộng sinh có lợi cho một bên hoặc cho cả hai bên, theo bài báo có nhan đề "Cộng sinh giữa khủng long Kỷ Phấn Trắng và bọ ăn lông vũ".

Vỏ ấu trùng của bọ ăn lông rụng được tìm thấy gắn liền với lông khủng long trong hổ phách. Ảnh: CN-IGME CSIC.

Những mảnh hổ phách sử dụng trong nghiên cứu này được lấy từ Tây Ban Nha, có chứa vỏ ấu trùng của một loài bọ nhỏ với những sợi lông bám chặt xung quanh. Những chiếc lông này thuộc về một loài khủng long theropod chưa xác định, có thể là khủng long biết bay hay còn gọi là chim hoặc khủng long không biết bay, hay còn gọi là khủng long phi điểu. Cả hai nhóm này từng hiện diện cùng nhau trong Kỷ Phấn Trắng và kiểu lông của chúng cũng giống hệt nhau.

Khi nhìn vào các hệ sinh thái hiện đại, chúng ta thấy những con ve ăn bám trên gia súc, ếch bắt côn trùng bằng cái lưỡi nhanh như điện và hào bám trên da của cá voi. Đó là một vài ví dụ về mối quan hệ đa dạng và phức tạp giữa động vật có xương sống và động vật chân khớp, hai nhóm động vật đã từng tồn tại cùng nhau trong hơn 500 triệu năm. Cách thức hai nhóm này tương tác với nhau xuyên suốt khoảng thời gian đó được cho là đã định hình nên lịch sử tiến hóa của chúng một cách sâu sắc, dẫn tới cái gọi là đồng tiến hóa. Tuy nhiên, bằng chứng về các mối quan hệ này lại rất hiếm gặp trong dữ liệu hóa thạch.

Trong các mẫu vật của chúng tôi, một số phần của lông vũ và những thứ khác - chẳng hạn như phân hóa thạch rất nhỏ - có sự gắn kết chặt chẽ với những chiếc vỏ có liên hệ với các loài bọ thuộc họ Dermestidae và cho thấy những tổn hại ngẫu nhiên cũng như dấu hiệu phân hủy. Đây là bằng chứng khá chắc chắn cho thấy những con bọ hóa thạch này đã kiếm ăn trên lông vũ và đó là những chiếc lông đã rơi ra khỏi vật chủ," theo tiến sĩ Enrique Penalver, Viện Khai khoáng và Địa chất Tây Ban Nha, tác giả chính của nghiên cứu.

"Ấu trùng của loài bọ này đã sống - ăn, bài tiết và lột xác - trên những con vật có lông dày sống gần hoặc ngay trên những cái cây có nhựa, có thể là trong những cái tổ. Một dòng nhựa chảy đã ngẫu nhiên bắt được sự liên kết này và bảo quản nó trong hàng triệu năm."

Một đồng tác giả khác của nghiên cứu là Tiến sĩ Ricardo Pérez-de la Fuente đến từ Đại học Oxford cho biết: "Vẫn chưa rõ liệu vật chủ là những con khủng long theropod có lông vũ có hưởng lợi gì từ việc ấu trùng bọ ăn lông đã rụng trong tổ của chúng hay không. Tuy nhiên, những con khủng long nhiều khả năng không bị đe dọa bởi hoạt động của ấu trúng bởi dữ liệu của chúng tôi cho thấy ấu trùng không ăn lông tươi cũng như thiếu các cấu trúc phòng vệ hiện diện ở các loài bọ ăn xác thối hiện đại vốn có thể gây kích ứng da của vật chủ, thậm chí giết chết vật chủ."

Nguồn: "Fossils reveal the long-term relationship between feathered dinosaurs and feather-feeding beetles" / Phys.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét