PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU MỚI TIẾT LỘ NHIỀU ĐIỀU VỀ CÁCH ĐẺ TRỨNG CỦA KHỦNG LONG PHI ĐIỂU

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnSử dụng một phương pháp mới gọi là "phép đo nhiệt độ đồng vị kép" (dual clumped isotope thermometry), một nhóm các nhà nghiên cứu đã có những phát hiện đầy thú vị về Troodon, chi khủng long có ngoại hình rất giống chim (dù có thể chưa biết bay) và cách thức sinh sản của chúng. 

Phương pháp "phép đo nhiệt độ đồng vị kép" do nhà khoa học Jens Fiebig cùng các cộng sự phát triển vào năm 2019, chuyên dùng để phục dựng nhiệt độ bề mặt của Trái đất trong các thời đại địa chất cổ. Mới đây, họ đã dùng phương pháp này để đo mức độ mà các đồng vị nặng hơn của oxy và carbon tích tụ bên trong các khoáng chất carbonate của vỏ trứng Troodon hóa thạch. Yếu tố này phụ thuộc vào nhiệt độ, vì thế từ đây các nhà khoa học có thể xác định mức nhiệt mà carbonate kết tinh. Và theo kết quả của nghiên cứu, vỏ trứng của Troodon được hình thành ở nhiệt độ 42 và 30 độ C. 

Khủng long Troodon có thể đã đẻ trứng trong những cái tổ chung như thế này. Tranh của Alex Boersma.

Theo đồng tác giả của nghiên cứu Mattia Tagliavento, "thành phần đồng vị của vỏ trứng Troodon cung cấp bằng chứng cho thấy những sinh vật đã tuyệt chủng này có thân nhiệt khoảng 42 độ C, và chúng có thể giảm thân nhiệt xuống khoảng 30 độ C, giống như các loài chim hiện đại."

Sau đó, họ tiếp tục so sánh thành phần đồng vị vỏ trứng của bò sát (cá sấu, một số loài rùa) và các loài chim hiện đại (gà, sẻ, hồng tước, đà điểu emu, cassowary và đà điểu) để tìm hiểu xem liệu Troodon giống bò sát hay giống chim hơn. Họ tiết lộ hai quy luật đồng vị khác nhau: vỏ trứng của bò sát có thành phần đồng vị phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường xung quanh. Điều này khớp với việc chúng là loài máu lạnh và sự tạo thành trứng ở chúng diễn ra chậm.

Trong khi đó, chim để lại dấu hiệu có thể gọi là "phi nhiệt" (non-thermal) trong thành phần đồng vị vỏ trứng của chúng, cho thấy sự hình thành vỏ trứng diễn ra rất nhanh. Tagliavento nói: "Chúng tôi nghĩ rằng tốc độ tạo thành trứng rất nhanh có liên quan đến việc chim không giống như bò sát, chỉ có một buồng trứng. Vì chúng chỉ có thể tạo ra một quả trứng mỗi lần, nên chúng phải làm điều đó nhanh hơn."

Khi so sánh kết quả này với vỏ trứng của Troodon, các nhà nghiên cứu không phát hiện thành phần đồng vị tương tự như của chim. Tagliavento giải thích: "Điều này cho thấy Troodon đã tạo ra những quả trứng theo cách giống với bò sát hiện đại hơn, và như thế có nghĩa hệ thống sinh sản của chúng vẫn gồm có hai buồng trứng."

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu kết hợp kết quả phân tích vỏ trứng của họ với những thông tin sẵn có liên quan đến trọng lượng cơ thể và vỏ trứng để suy ra rằng, Troodon chỉ đẻ 4-6 quả trứng mỗi lần. "Suy luận này đặc biệt thú vị bởi các ổ trứng của Troodon thường khá lớn, chứa đến 24 quả," Tagliavento nói. "Chúng tôi nghĩ đây là một sự gợi ý khá rõ ràng rằng những con Troodon cái đẻ trứng trong những cái tổ chung, một kiểu hành vi chúng ta vẫn thấy ngày nay ở đà điểu hiện đại."

Nguồn: "Analysis of dinosaur eggshells: Bird-like Troodon laid 4 to 6 eggs in a communal nest" / Phys.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét