PHỤC DỰNG GẦN NHƯ HOÀN CHỈNH NỘI TẠNG CỦA MẪU VẬT KHỦNG LONG ĐẦU TIÊN TẠI Ý

[Mê Khủng Long - Dinophile.vn] Một thành tựu có ý nghĩa quan trọng của ngành cổ sinh vật học tại đất nước "hình chiếc ủng".

Nội tạng của "Ciro bé nhỏ", hóa thạch khủng long đầu tiên được tìm thấy tại Ý và là một trong những mẫu vật khủng long được bảo quản tốt nhất thế giới, vừa được phục dựng thành hình ảnh ba chiều. 

Hóa thạch của khủng long Ciro. Ảnh: Giovanni Dall'Orto.

Theo các nhà cổ sinh vật học, Ciro (loài Scipyonyx samniticus) có thể là một hóa thạch mang tính bước ngoặt trong quá trình tìm hiểu về khủng long. Ciro được tìm thấy tại Pietraroia, Benevento ở khu vực phía Nam Campania, Ý. 

Mẫu vật này đặc biệt bởi các cơ quan nội tạng của nó được hóa thạch ở trạng thái hết sức hoàn hảo thay vì bị phân hủy chỉ còn lại xương cốt như hầu hết các mẫu vật khủng long khác.

Sử dụng các công nghệ tiên tiến như chụp cắt lớp, kính hiển vi điện tử, các nhà cổ sinh vật học Cristiano Dal Sasso (tác giả bài báo đầu tiên về Ciro trên tập san Nature vào tháng Ba năm 1998) và Simone Maganuco khám phá ra rằng nội tạng của Ciro được hóa thạch đến tận cấp độ tế bào và dưới tế bào. Họ vẫn có thể nhìn rõ cấu trúc của các tế bào cơ bắp, mạch máu, mao dẫn, thậm chí vi khuẩn và dấu vết của thức ăn trong ruột của con vật.

Phục dựng nội tạng của Ciro. Ảnh: ANSA.it.

Người phụ trách về hình ảnh trong quá trình phục dựng nội tạng của Ciro là họa sĩ cổ sinh Fabio Manucci. Ngoài ra, trong buổi giới thiệu bản phục dựng này, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các hình chụp đầu tiên về mặt B của mẫu vật (mặt bị khuất trong khối đá chứa hóa thạch). Họ kỳ vọng sẽ có thêm những khám phá mới từ phía này của Ciro, một con khủng long con có niên đại khoảng 110 triệu năm trước.

Nguồn: "Internal organs of first Italian dinosaur reconstructed in 3D" / GDS.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét