LOÀI KHỦNG LONG MẶT SỪNG MỚI ĐƯỢC ĐẶT TÊN THEO THẦN LOKI

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnLokiceratops là sự bổ sung mới nhất cho đội hình khủng long mặt sừng được khai quật từ Hệ tầng Sông Judith, bang Montana, Mỹ.

Chi khủng long có cái tên độc đáo này - mượn từ tên của thần lừa lọc Loki trong thần thoại Bắc Âu - được biết đến từ một bộ xương hóa thạch không nguyên vẹn, chủ yếu là hộp sọ và các mảnh xương thân rời rạc.

Phục dựng ngoại hình của Lokiceratops. Tranh của Fabrizio Lavezzi.

Theo thông cáo của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Utah, hóa thạch của Lokiceratops được khai quật ở địa điểm chỉ cách biên giới Mỹ - Canada vài dặm, và là một trong những con khủng long mặt sừng lớn nhất và có sừng trang trí phức tạp nhất từng được tìm thấy.

"Cách đây 78 triệu năm trước, Lokiceratops cư trú tại những đầm lầy và bãi bồi dọc theo bờ phía Đông lục địa cổ Laramidia, ngày nay là phần phía Tây của Bắc Mỹ," cũng theo thông cáo nói trên.

Dù khá giống với một chi họ hàng là Medusaceratops, bạn vẫn có thể phân biệt chúng với nhau dựa trên một số đặc điểm như Lokiceratops không có sừng trên mũi, ngoài ra còn có một cặp gai bất đối xương nằm ở chính giữa diềm cổ. Diềm của Lokiceratops cũng hẹp hơn diềm của Medusaceratops.

Dựa trên mẫu định danh, các nhà cổ sinh vật học ước tính Lokiceratops dài khoảng 6,7m và nặng khoảng 5 tấn. Chỉ riêng hộp sọ của Lokiceratops đã dài gần 2m và nó nằm trong số những chi lớn nhất phân họ Centrosaurinae hiện tại.

Danh pháp hai phần đầy đủ của LokiceratopsLokiceratops rangiformis. Sở dĩ nó được đặt theo tên thần Loki là do có cặp sừng cong giống một số minh họa về thần Loki, đồng thời cũng là để gợi nhớ đến sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu Mỹ và Đan Mạch, một quốc gia Bắc Âu trong quá trình nghiên cứu Lokiceratops. Tên loài rangiformis bắt nguồn từ danh pháp Rangifer của tuần lộc Bắc Mỹ, với cặp gạc cũng bất đối xương như cặp gai chính giữa diềm của Lokiceratops. Do đó danh pháp hai phần của con khủng long này có thể dịch thô là "khủng long mặt sừng của Loki trông giống tuần lộc Bắc Mỹ".

Được biết, Lokiceratops đã là chi khủng long mặt sừng thứ 7 được khai quật từ Hệ tầng Sông Judith, và cũng là chi khủng long mặt sừng thứ 4 trong cùng một phân vị địa tầng (niên đại ~78 triệu năm), cho thấy sự đa dạng của khủng long mặt sừng vào giai đoạn Phấn Trắng muộn ở phía Bắc lục địa cổ Laramidia.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét