HUYỀN THOẠI CỔ SINH (PHẦN 1): NGƯỜI PHỤ NỮ TIÊN PHONG CỦA NGÀNH CỔ SINH VẬT HỌC

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnNếu là một người đam mê khủng long cũng như các sinh vật cổ, các bạn cần biết rằng, người đã mở đường cho ngành khoa học nghiên cứu khủng long và các sinh vật cổ, ngành mà ngày nay chúng ta gọi là cổ sinh vật học, chính là một phụ nữ. Bà tên là Mary Anning.

Bức tranh chân dung của Mary Anning và chú chó thân thiết Tray.

Mary Anning sinh ngày 21 tháng Năm năm 1799 tại Lyme Regis ở Dorset, Anh quốc trong một gia đình nghèo. Cha bà là ông Richard Anning, một người thợ làm tủ nhưng phải kiếm thêm thu nhập bằng cách đào hóa thạch để bán cho các nhà sưu tầm tư nhân lấy ít xu lẻ. Mẹ của bà tên là Mary Moore, nhưng thường được gọi là bà Molly. Ông Richard và bà Molly có với nhau tổng cộng 10 người con, nhưng hoàn cảnh đã khiến hai vợ chồng mất đi đến tám người trong số đó vì tai nạn hoặc bệnh tật. Chỉ duy nhất Mary Anning cùng một người anh trai tên Joseph sống được đến tuổi trưởng thành. Họ sống trong một căn nhà nhỏ gần bờ biển, nhưng đương nhiên là không thơ mộng và dễ chịu như những căn biệt thự viu biển ngày nay. Thứ thường xuyên ghé thăm họ là những cơn bão khiến ngôi nhà ngập trong nước, có lần suýt khiến cả bốn người chết đuối.

Cuộc đời dữ dội của người phụ nữ này dường như đã được báo trước bằng một sự kiện phải nói là thần kỳ. Vào ngày 19 tháng Tám năm 1800, khi bà mới 15 tháng tuổi, một phụ nữ hàng xóm đang bế bà đứng dưới một gốc cây du cùng hai người phụ nữ khác, trước khi một tia sét đánh xuống gây tử vong cho cả ba người phụ nữ trưởng thành. Những người đứng gần đó phát hiện ra vụ việc đã ngay lập tức bế cô bé Anning đi cấp cứu. Họ ngâm cô bé trong một bồn nước nóng và không biết bằng một cách kỳ diệu nào đó, Anning sống sót. Đó cũng là lần đầu tiên, Anning thoát khỏi cửa tử một cách thần kỳ và từ một đứa trẻ hay đau yếu, bệnh tật, cô bé Anning bỗng trở nên khỏe mạnh và thông minh khác thường.

Bức tranh phác họa ngôi nhà của gia đình Anning.

Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình Anning thì vẫn vậy. Cả bốn người vẫn sống trong cảnh tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. May mắn thay, quê hương của họ vẫn mang lại cho họ một sinh kế tạm thời, đó là đào và bán hóa thạch. Lyme Regis khi đó là một địa điểm du lịch nổi tiếng tại Anh, và những hóa thạch thường xuyên được phát hiện tại đây trở thành một loại đồ lưu niệm được ưa chuộng. Tuy nhiên, những biến cố của lịch sử như cách mạng Pháp hay cuộc chiến tranh châu Âu của Napoleon tiếp tục đẩy gia đình Anning sâu hơn vào cảnh nghèo. Giá lương thực có lúc tăng gấp ba, nhưng lương của tầng lớp lao động không thay đổi. Cay đắng hơn là vào năm 1810, ông Richard qua đời vì bệnh lao, để lại một gia đình ba mẹ con bơ vơ với nhiều khoản nợ nần mà không hề có một đồng tiết kiệm. Họ buộc phải xin trợ cấp từ chính quyền để tạm vượt qua khó khăn.

Cả gia đình, giờ chỉ còn ba người, vẫn tiếp tục đào hóa thạch để bán. Nhưng bên cạnh những hóa thạch phổ biến như cúc đá, vào năm 1811, Mary Anning cùng anh trai đã có phát hiện quan trọng đầu tiên, đó là hộp sọ hóa thạch dài 1,2 mét của một con ngư long, giúp họ thu được 23 bảng sau khi bán cho một nhà quý tộc. Về sau, mẫu vật này được đặt danh pháp là Ichthyosaurus, trở thành chi điển hình của nhóm động vật được gọi là ichthyosaur, tức ngư long.

Bức tranh vẽ chiếc hộp sọ ngư long được tìm thấy bởi Joseph Anning.

Trong giai đoạn này, họ nhận được sự giúp đỡ tích cực từ trung tá Thomas James Birch. Ông thường mua hóa thạch của nhà Anning, nhưng vì thấy gia đình cô bé quá nghèo khổ, nên ông đã quyết định bán đấu giá một nửa số hóa thạch đã mua từ họ và thu về khoảng 400 bảng Anh (tương đương với 34 nghìn bảng ngày nay). Không biết số tiền Birch đã trao cho nhà Anning là bao nhiêu, nhưng ông đã giúp họ có được tình hình tài chính ổn định trong nhiều năm nữa, đồng thời giúp tên tuổi của gia đình được giới sưu tầm hóa thạch tại châu Âu biết đến thông qua cuộc đấu giá. Nhiều nhà sưu tầm từ Pháp, Áo sau này đã tìm đến gia đình Anning để mua hóa thạch.

Khi bà Molly ngày càng lớn tuổi còn người anh trai Joseph dành nhiều thời gian hơn làm nghề nội thất, Mary Anning bắt đầu tiếp quản việc kinh doanh hóa thạch của gia đình. Đó đương nhiên là một công việc nguy hiểm với một phụ nữ, nhất là khi làm việc dưới trời mùa đông lạnh giá, nhưng Anning vẫn không hề chùn bước, một phần là vì sinh kế, một phần là bà thật sự đam mê công việc này khi không quản ngại mưa gió vất vả, thậm chí làm việc dưới trời mùa đông rét mướt để tìm hóa thạch. Chính trong những năm này bà đã có nhiều phát hiện quan trọng, chẳng hạn như hóa thạch hoàn chỉnh đầu tiên của loài thằn lằn cổ rắn Plesiosaurus cũng như mẫu vật dực long đầu tiên tại Anh quốc, được người ta gọi là rồng bay khi trưng bày tại Bảo tàng. Không chỉ lo kiếm sống, Anning còn tự học hỏi bằng cách đọc bất cứ cuốn sách khoa học nào mà bà có được, thậm chí Anning còn chăm chỉ tới nỗi tự chép tay những cuốn sách mà bà mượn từ người khác để dành đọc sau. Bà còn tự tay vẽ minh họa những mẫu vật mình tìm thấy với độ chính xác và chi tiết khiến những nhà khoa học được đào tạo bài bản phải kinh ngạc. Không chỉ nghiên cứu hóa thạch, Anning còn nghiên cứu thêm động vật sống như cá và mực bằng cách mổ chúng để hiểu hơn về giải phẫu học của động vật.

Lá thư kèm tranh vẽ hóa thạch Plesiosaurus của chính Mary Anning.

Nên nhớ rằng, vào thế kỷ XIX, tại Anh cũng như hầu khắp thế giới, vai trò của phụ nữ thường là nội trợ và sinh con đẻ cái, họ không có quyền đi bầu, tham gia vào những việc hệ trọng của xã hội. Khoa học cũng vậy, là lĩnh vực của đàn ông và gần như chỉ có đàn ông mà thôi. Những trường hợp phụ nữ tham gia vào khoa học như Anning rất hiếm, và càng hiếm hơn đối với những người xuất thân nghèo khó, không được học hành tử tế như bà. Nhưng Anning đã vượt qua tất thảy để khiến những chuyên gia sinh vật hàng đầu nước Anh và châu Âu khi đó phải dành sự nể trọng cho bà. Việc bán hóa thạch dần ăn nên làm ra, bà để dành đủ tiền để mua một căn nhà nhỏ có mặt tiền và mở cửa hàng hóa thạch có tên là Kho hóa thạch của Anning. Nhiều nhà địa chất học và nhà sưu tầm hóa thạch thường xuyên ghé thăm cửa hàng hóa thạch nhỏ của Anning ở Lyme Regis để mua hóa thạch và nói chuyện về các sinh vật cổ. Tất cả đều phải dành lời ngợi khen cho kiến thức và sự thông tuệ của người phụ nữ này và danh tiếng của bà vượt ra ngoài biên giới nước Anh, lan xa khắp cộng đồng khoa học châu Âu.

Năm 1833, công việc tìm hóa thạch suýt chút nữa đã đẩy bà đến cửa tử, cũng lần thứ hai đối mặt với tử thần trong cuộc đời của người phụ nữ này. Trong lúc tìm hóa thạch, một trận lở đất xảy ra ngay trước mặt Anning, lập tức chôn vùi chú chó cưng lông trắng đen tên Tray từng là bạn đồng hành của Anning suốt nhiều năm trời. Đau buồn vì mất mát đó, Anning sau này khi viết cho một người bạn đã kể: "Giữa tôi và cái chết chỉ là một khoảnh khắc mong manh mà thôi." 

Thoát chết lần hai, nhưng chưa khi nào Anning có ý định từ bỏ công việc đầy nguy hiểm mà ngay cả những nam giới dũng cảm nhất vào thời đó cũng phải e ngại.

Không chỉ có nguy hiểm và cái chết cận kề, những khó khăn về tài chính cũng chưa bao giờ thôi đeo bám người phụ nữ thông minh và dũng cảm này. Những khó khăn về kinh tế chung của thập niên 1830 đã khiến nhu cầu đối với hóa thạch giảm mạnh, trong khi Anning ít có những phát hiện trong những năm đó. Một nhà địa chất học tên là Henry de la Beche đã giúp Anning bằng cách thuê họa sĩ Georges Sarf làm bản khắc đá cho bức tranh vẽ quang cảnh Dorset thời cổ đại của ông, dựa trên các khám phá của Anning. Sau đó ông in tranh của mình ra nhiều bản rồi đem bán và tặng hết lợi nhuận cho Anning. Số tiền đó giúp bà sống qua ngày cho đến khi bà tìm thấy hóa thạch của một loài thằn lằn cổ rắn mới, được bán với giá 200 bảng Anh. Tuy nhiên, một lần nữa bà mất hết khoản tiền tiết kiệm của mình vào một vụ đầu tư năm 1835, khi người đầu tư chung với bà biến mất cùng với số tiền đó. Bà lại được một người bạn cũ giúp đỡ khi nhà sinh vật học William Buckland nhờ Hiệp hội Vì tiến bộ khoa học Anh Quốc trợ cấp cho bà 25 bảng Anh mỗi năm vì những đóng góp của Anning từ trước đến nay.

Bức tranh Duria Antiquior vẽ hình dung về quang cảnh xứ Dorset thời cổ đại, dựa trên các khám phá của Mary Anning.

Số tiền này giúp bà tạm trang trải cuộc sống và tiếp tục công việc kinh doanh hóa thạch cho đến giữa thập niên 1840, khi bệnh ung thư vú phát tác khiến sức khỏe của Anning suy giảm nghiêm trọng. Dù được hội địa lý và nhiều người bạn khoa học quyên góp tiền để chạy chữa, căn bệnh hiểm nghèo đã không cho Anning có cơ hội thoát khỏi bàn tay của tử thần lần thứ ba. Bà trút hơi thở cuối cùng vào ngày 9 tháng Ba năm 1847, khép lại một cuộc đời cống hiến cho khoa học đầy vinh quang, dù khoa học chưa bao giờ giúp bà trở nên giàu có và có một cuộc sống thật sự sung túc. Tuy không có gia đình, nhưng bà không hề qua đời trong cô độc. Bao quanh bà là sự tiếc thương hiếm thấy trong lịch sử của những người đàn ông dành cho một người phụ nữ trong khoa học. Henri de la Beche, khi đó đang là Chủ tịch của Hội Địa lý đã viết cho Anning lời điếu văn đầy bi ai và tiếc thương như sau: "Tôi sẽ không thể khép lại bản thông báo về mất mát do cái chết gây ra này mà không đề cập rằng, người phụ nữ này, người đã không sinh ra trong một giai tầng tử tế hơn trong xã hội, người đã phải lao động nặng nhọc để chạy ăn từng bữa mà vẫn đóng góp cho kho tàng kiến thức của chúng ta về những loài bò sát vĩ đại, cũng như những dạng sống hữu cơ khác đã an nghỉ quanh vùng đất Lyme Regis này bằng tài năng và nỗ lực nghiên cứu không biết mệt mỏi của mình."

Mary Anning ra đi, để lại một di sản khoa học đồ sộ. Những khám phá hóa thạch của bà chứng là bằng chứng không thể chối cãi về sự tuyệt chủng. Trước đó, không có nhiều người tin vào khái niệm tuyệt chủng, cũng như không hề có những loài mới xuất hiện. Tuy nhiên, những sinh vật cổ đại kỳ lạ mà Anning khai quật được đã giáng những đòn mạnh mẽ vào quan niệm lạc hậu đó. Bà cũng là người mở đường cho ngành cổ sinh vật học, vốn tách ra từ ngành địa chất học, chuyên nghiên cứu các sinh vật cổ hiện diện trong dữ liệu hóa thạch. Ngày nay, ngành cổ sinh vật học đã trở thành một ngành khoa học phát triển và rất được chú trọng ở nhiều nước, tất cả chính là nhờ di sản của Anning.

Bức tượng đồng của Mary Anning được dựng tại quê hương của bà, Lyme Regis.

Vào năm 2010, tức 163 năm sau ngày mất của Mary Anning, Hội Hoàng gia Anh Quốc đã xướng tên bà trong danh sách 10 phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử khoa học. Người ta còn đặt tên của bà cho nhiều loài động vật cổ đại, gồm 2 loài cá, 1 chi thằn lằn cổ rắn, 1 loài ngư long, vân vân. Tên của bà còn được đặt cho một ngọn núi trên sao Kim. Năm 2022, người ta cũng đã khánh thường bức tượng đồng của Mary Anning tại quê hương Lyme Regis. Cuộc đời của bà chính là tấm gương sáng cho những ai muốn theo đuổi con đường khoa học, dù là đàn ông hay phụ nữ, dù hoàn cảnh có thuận lợi hay không. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét