[Mê Khủng Long - Dinophile.vn] Khủng long có thể nhẹ hơn nhiều so với kích thước khổng lồ của chúng. Bí mật đằng sau chuyện đó là gì?
Câu trả lời có thể nằm ở cấu tạo xương đặc biệt của những sinh vật này, rất giống với cấu tạo của giấy bìa các-tông. Xương khủng long không đặc như hầu hết xương của chúng ta, chúng chứa đầy những khoang khí (air sac).
Theo nghiên cứu của nhà cổ sinh vật học người Brazil Tito Aureliano, cấu tạo xương rỗng với nhiều khoang khí như vậy quan trọng và mang lại nhiều lợi thế cho những động vật sở hữu cấu tạo này đến nỗi, nó đã tiến hóa và xuất hiện ở ba nhóm động vật khác nhau trong thời đại khủng long.
Khủng long trở nên khổng lồ nhờ một loạt những đặc điểm thích nghi, mà quan trọng nhất là ở bộ xương của chúng. |
Nhóm thứ nhất là dực long, tức thằn lằn bay.
Hai nhóm còn lại là hai nhóm khủng long, gồm khủng long chân thú (theropod, từ những con Microraptor không to hơn loài quạ ngày nay cho đến T. rex hùng mạnh) và khủng long dạng chân thằn lằn (sauropodomorph, nhóm khủng long cổ dài ăn thực vật). Các nhà nghiên cứu đã tập trung vào Thế Tam Điệp muộn, cách đây khoảng 233 triệu năm trước với các mẫu vật đến từ phía Nam Brazil.
Cần biết rằng, mỗi lần động vật sinh sản, sự tiến hóa lại làm phát sinh những biến thể ngẫu nhiên trong mã gien. Một số biến thể này được truyền lại cho đời sau và phát triển theo thời gian.
Charles Darwin tin rằng, sự tiến hóa đã tạo ra "vô hạn những hình thái đẹp đẽ nhất". Nhưng một số sự thích nghi cứ tự động xuất hiện lặp đi lặp lại, giống như bạn được chia cùng một cỗ bài nhiều lần. Khi chuyện đó xảy ra, đó là dấu hiệu cho thấy sự tiến hóa đã phát kiến ra một giải pháp quan trọng và hiệu quả.
Và biến thể mà các nhà cổ sinh vật học Brazil nghiên cứu là những xương đốt sống chứa khoang khí, có khả năng giúp khủng long tăng cường sức mạnh nhưng vẫn giảm được trọng lượng cơ thể.
Công nghệ chụp cắt lớp giúp Aureliano và các cộng sự nhìn sâu vào bên trong các hóa thạch mà họ nghiên cứu. Không có các công nghệ hiện đại này, họ sẽ không thể quan sát những thứ bên trong và do đó, không thể phát hiện các khoang khí nằm trong đốt sống của khủng long.
Cấu tạo xương giống như bên trong thanh chocolate Aero này mang lại lợi thế lớn cho khủng long. Ảnh: Kev Gregory / Shutterstock. |
Các khoang khí chắc hẳn đã tạo thành bộ khung và củng cố cấu trúc bên trong xương khủng long, đồng thời tạo ra diện tích bề mặt lớn hơn để các khối cơ lớn, mạnh mẽ bám vào. Điều này cho phép xương phát triển đến một kích thước lớn hơn rất nhiều mà không tạo ra trọng lượng đè nặng lên con khủng long.
Ở các loài chim hiện nay, xương có chứa nhiều khoang khí giúp giảm khối lượng và thể tích tổng, đồng thời gia tăng sức mạnh và độ cứng của xương - những yếu tố cần thiết cho việc bay.
Và không chỉ có chim hay khủng long, cũng có những nhóm động vật khác thấy đây là một đặc điểm hữu ích, trong đó có con người chúng ta. Bộ não của con người cũng được bảo vệ bởi hai lớp xương lớn, đặc kẹp một lớp xương có chứa khoang khí mềm hơn, trông rỗ như bọt biển được gọi là mo xốp (diploe). Điều này giúp hộp sọ của chúng ta nhẹ nhưng vẫn chắc chắn và có khả năng hấp thu các chấn động ở vùng đầu.
Đây là các ví dụ về sự tiến hóa hội tụ ở những động vật phải đối mặt liên tục với cùng một vấn đề, tiến hóa để đưa ra những giải pháp tương tự - nhưng không phải lúc nào cũng giống hệt nhau. Các động vật ngày nay cũng đang tuân theo luật chơi tiến hóa không khác gì khủng long hàng chục triệu năm trước.
Nguồn: Sally Christine Reynolds, "Bones like Aero chocolate: the evolution adaptation that helped dinosaurs to fly" / The Conversation.
0 Nhận xét