NGA CÔNG BỐ LOÀI THEROPOD PHI ĐIỂU MỚI THUỘC HỌ NOASAURIDAE

[Mê Khủng Long TV] Các nhà khoa học Nga vừa hoàn thành mô tả và đặt tên cho loài khủng long theropod phi điểu thứ hai từ trước đến nay của nước này.

Kiyacursor là một chi khủng long chân thú thuộc họ Noasauridae có niên đại Phấn Trắng sớm với hóa thạch được khai quật từ Hệ tầng Ilek tại Nga. Chi này chỉ gồm duy nhất một loài, Kiyacursor longipes, với hóa thạch là một bộ xương không nguyên vẹn. Đây mới chỉ là loài theropod phi điểu thứ hai được tìm thấy tại Nga, sau Kileskus vào năm 2010.

Hình dung về ngoại hình của Kiyacursor longipes. Tranh của Dimasaurus / Deviant Art.

Mẫu định danh của Kiyacursor, mang ký số KOKM 5542, được tìm thấy vào mùa hè năm 2023 trong trầm tích của Hệ tầng Ilek bên bờ sông Kiya ở tỉnh Kemerevo, Nga. Mẫu vật là một bộ xương không nguyên vẹn, bao gồm đốt sống cổ, đốt sống đuôi, xương sườn, một phần đai vai, xương cánh tay và phần lớn hai chi sau còn dính liền.

Năm 2024, nhà cổ sinh vật học A. Averianov cùng các cộng sự đã chính thức mô tả và đặt tên Kiyacursor longipes là một chi/loài mới thuộc họ Noasauridae dựa trên các đặc điểm của hóa thạch. Tên chi Kiyacursor kết hợp giữa tên sông Kiya và từ "cursor" trong tiếng Latin, thường dùng để chỉ các động vật chạy nhanh. Tên loài longipes có nghĩa là "chân dài" trong tiếng Latin.

Hóa thạch mẫu định danh của Kiyacursor longipes.

Averianov cùng các cộng sự ước tính chiều dài cơ thể của Kiyacursor là khoảng 2,5m. Họ cũng cho biết cá thể mẫu định danh chưa trưởng thành khi nó qua đời, chỉ mới khoảng ba tuổi. Do đó, nó hoàn toàn có thể đạt kích thước lớn hơn khi trưởng thành đầy đủ. 

Nhóm nghiên cứu cũng đặt Kiyacursor vào vị trí gần gốc của họ Noasauridae, cùng với Afromimus và một mẫu vật chưa được đặt tên đến từ Hệ tầng Eumeralla tại Úc. 

Vị trí của Kiyacursor trong cây phát sinh loài của họ Noasauridae.

Cùng Hệ tầng Ilek với Kiyacursor còn có loài khủng long mặt sừng sơ khai Psittacosaurus sibiricus và chi sauropod Sibirotitan. Hóa thạch của một số chi chim như Evgenavis, Mystiornis cũng như những hóa thạch khủng long chưa xác định cũng được tìm thấy tại Hệ tầng này. Ngoài ra còn có hóa thạch của dực long, bò sát dạng cá sấu, rùa, thằn lằn và động vật Synapsida... Khá nhiều trong số đó là những quần thể tàn dư của các nhóm động vật từ Kỷ Jura, cho thấy khu vực Siberia vào thời đó từng đóng vai trò như một nơi nương náu (refugium) cho những quần thể như vậy.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét