XÁC ĐỊNH CHI/LOÀI DỰC LONG MỚI TỪ "NGHĨA ĐỊA DỰC LONG" Ở BRAZIL

[Mê Khủng Long TV] Torukjara là một chi dực long đã tuyệt chủng thuộc họ Tapejaridae với hóa thạch được tìm thấy tại "nghĩa địa dực long" có niên đại Phấn Trắng muộn ở Brazil. Chi này gồm một loài duy nhất là T. bandeirae, được xác định từ nhiều mẫu vật. 

"Nghĩa địa dực long" là một địa điểm có mật độ hóa thạch dực long cực kỳ cao tại  Cruzeiro do Oeste, bang Paraná, Brazil. Trước đó người ta đã xác định một chi/loài dực long từ địa điểm này là Caiuajara dobruskii vào năm 2014. 

Phục dựng ngoại hình của Torukjara bandeirae. Tranh của Matheus F. Gadelha.

Các hóa thạch của Torukjara ban đầu cũng được xác định là hóa thạch của Caiuajara, tuy nhiên sau 10 năm, nhà cổ sinh vật học Rodrigo V. Pêgas đã đặt ra một chi/loài mới là Torukjara bandeirae dựa trên các mẫu vật này. 

Tên chi Torukjara mượn từ sinh vật giả tưởng Toruk trong bộ phim Avatar, kết hợp với -jara, một từ trong thổ ngữ Tupi có nghĩa là "chúa tể" và thường gắn với các loài thuộc họ Tapejaridae. Tên loài bandeirae dùng để vinh danh nhà cổ sinh vật học Kamila Bandeira, người đầu tiên đề xuất khả năng tồn tại nhiều loài khác nhau trong các hóa thạch của "nghĩa địa dực long".

Trong phân tích phát sinh loài, Pêgas đặt Torukjara vào họ Tapejaridae, tông Tapejarini và là danh pháp chị em với Caiuajara. Nhánh bao gồm hai chi này cũng được xếp thành một phân tông (subtribe) mới là Caiuajarina.

Một số mẫu vật hộp sọ hóa thạch của Torukjara.

Tapejaridae là họ dực long gồm những loài có kích thước từ nhỏ đến trung bình, có chung một số đặc điểm đặc trưng chủ yếu liên quan đến hộp sọ, trong đó có chiếc mào lớn mọc từ mõm. Hóa thạch của chúng được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới như Brazil, Anh, Hungary, Morocco, Tây Ban Nha, Mỹ và Trung Quốc. Chi cổ nhất được tìm thấy ở Trung Quốc, cho thấy rất có thể họ này có nguồn gốc từ châu Á.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét