KHỦNG LONG TUYỆT CHỦNG ĐÃ GIÁN TIẾP DỌN ĐƯỜNG CHO SỰ TIẾN HÓA CỦA TỔ TIÊN CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?

[Mê Khủng LongTheo một nghiên cứu mới từ các nhà khoa học tại Đại học Bắc Arizona, sự tuyệt chủng của khủng long, đặc biệt là các loài khủng long chân thằn lằn cổ dài với kích thước khổng lồ đã góp phần dọn đường cho sự tiến hóa của tổ tiên con người.

Trong nghiên cứu này, họ sử dụng một mô hình mô phỏng các xu hướng tiến hóa của trái cây và hạt, của kích thước động vật, cách các động vật lớn tác động đến môi trường rừng... kể từ khi khủng long chưa tuyệt chủng cho đến khi động vật có vú bắt đầu thống trị Trái đất.

Họ nhận thấy, hơn 66 triệu năm trước, khi thế giới vẫn còn những loài khủng long to lớn, kích thước hạt trung bình của các loài thực vật rất nhỏ và trái cây rất hiếm. Sau khi chúng tuyệt chủng, kích thước của các loại hạt và trái cây tăng lên một cách đáng kể.

Tranh của Christopher di Piazza.

Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này xảy ra bởi vì trong các khu rừng dày đặc, sự cạnh tranh ánh sáng đã khuyến khích các cây cối mọc cao và nhanh hơn so với các cây lân cận, và các cây mọc từ những hạt lớn sẽ có lợi thế ban đầu tốt hơn trong sự cạnh tranh đó.

Hơn nữa, việc đầu tư năng lượng để tạo ra những trái cây ngon ngọt, tươi mát khiến động vật ăn trái cây và phát tán hạt của chúng nhiều hơn, từ đó sinh sôi mạnh mẽ.

Tiếp tục chạy mô hình đến những thời đại gần đây hơn, họ tiếp tục có phát hiện bất ngờ. Đó là khoảng 35 triệu năm trước, kích thước hạt đã thay đổi theo hướng bắt đầu nhỏ lại, bởi vì các loài động vật trên đất liền một lần nữa trở nên đủ lớn để có tác động tương tự lên các khu rừng như khủng long chân thằn lằn khổng lồ, dù vẫn nhỏ hơn (gồm những loài thú ăn thực vật to lớn như Paraceratherium).

“Mô hình của chúng tôi dự đoán rằng những động vật này sẽ khiến các tán rừng đủ mở để ánh sáng đủ vào tầng dưới, và các hạt lớn không còn thành công hơn các hạt nhỏ,” giáo sư Christopher Doughty của Đại học Bắc Arizona giải thích. “Áp lực tiến hóa để tăng kích thước hạt bắt đầu giảm. Do đó, chúng tôi có thể giải thích các xu hướng kích thước hạt theo thời gian mà không cần dựa vào các ảnh hưởng bên ngoài như biến đổi khí hậu.”

“Những kết quả này là một ví dụ nổi bật về cách các loài khủng long lớn — và sự tuyệt chủng cuối cùng của chúng — không chỉ định hình môi trường đương thời mà còn kích hoạt các hiệu ứng chuỗi trên hệ sinh thái trong hàng triệu năm,” Benjamin Wiebe, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Bắc Arizona cho biết. “Lần tới khi bạn ăn trái cây hoặc tự hỏi, 'tại sao tôi ở đây,' hãy cân nhắc tác động của sự tuyệt chủng của khủng long!”

Nguồn: "Dinosaur Extinction Indirectly Shaped Evolution of Our Fruit-Eating Ancestors, Researchers Say" / Sci.News.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét