LOÀI KHỦNG LONG MỚI MANG TÊN "HOÀNG TỬ RỒNG" TIẾT LỘ NGUỒN GỐC TIẾN HÓA CỦA T. REX

[Mê Khủng LongLoài khủng long mới thuộc Liên họ Bạo long (Tyrannosauroidea) có tên khoa học là Khankhuuluu mongoliensis được xem là tổ tiên gần nhất từng được biết đến của Họ Bạo long (Tyrannosauridae), trong đó có loài săn mồi nổi tiếng Tyrannosaurus rex.

Phục dựng ngoại hình của Khankhuuluu mongoliensis. Tranh của Julius Csotonyi.

Khankhuuluu mongoliensis từng lang thang trên Trái Đất trong Kỷ Phấn Trắng, khoảng 86 triệu năm trước. Đây là một loài săn mồi có kích thước trung bình, di chuyển nhanh nhẹn, phát triển sau khi các loài khủng long săn mồi lớn khác bị tuyệt chủng. Loài này có nhiều đặc điểm chung với các hậu duệ thuộc Họ Bạo long.

Danh pháp chi Khankhuuluu có nghĩa là "hoàng tử rồng" theo tiếng Mông Cổ, còn danh pháp loài mongoliensis đề cập đến nước Mông Cổ, quốc gia phát hiện hóa thạch.

Theo nghiên cứu mô tả, K. mongoliensis có kích thước tương đương một con ngựa, nặng khoảng 750 kg, tức là chỉ bằng một phần hai đến một phần ba so với những hậu duệ khổng lồ về sau. Nó có những chiếc sừng nhỏ sơ khai, sau này phát triển rõ rệt hơn ở các loài như Albertosaurus hay Gorgosaurus, được dùng để thu hút bạn tình hoặc đe dọa đối thủ.

K. mongoliensis có hộp sọ dài và nông, cho thấy nó không có khả năng nghiền nát xương như T. rex. Các nhà khoa học xác định nó là một loài săn mồi trung cấp (mesopredator), tương tự như chó sói đồng cỏ, nghĩa là nó sử dụng tốc độ và sự linh hoạt để hạ gục con mồi.

Mẫu định danh của Khankhuuluu.

"K. mongoliensis cho chúng ta thấy được giai đoạn đi lên trong quá trình tiến hóa của dòng họ bạo long; chính tại thời điểm chúng đang chuyển đổi từ những kẻ săn mồi nhỏ sang hình thái săn mồi đỉnh cao," Tiến sĩ Jared Voris, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Calgary, cho biết.

Hai bộ xương không hoàn chỉnh của K. mongoliensis đã được tìm thấy trong Thành hệ Bayanshiree, thuộc khu vực Đông Nam của Mông Cổ, vào năm 1972 và 1973. Việc nghiên cứu và phân tích phát sinh loài đối với các mẫu vật này đã giúp hình thành giả thuyết mới về quá trình di cư và tiến hóa của dòng họ bạo long, trong đó có thể quy thành ba lần di cư quan trọng.

Lần thứ nhất, K. mongoliensis, hoặc một loài tổ tiên có quan hệ gần gũi, có khả năng đã di cư từ châu Á sang Bắc Mỹ thông qua một cây cầu đất liền nối giữa Alaska và Siberia khoảng 85 triệu năm trước, theo lời Tiến sĩ Darla Zelenitsky.

Chính nhờ loài khủng long di cư này, chúng ta mới biết rằng Họ Bạo long thực ra đã tiến hóa đầu tiên ở Bắc Mỹ và tồn tại tách biệt tại đây trong vài triệu năm, bà nói. "Khi nhiều loài bạo long tiến hóa trên lục địa này, chúng ngày càng phát triển lớn hơn và mạnh mẽ hơn."

Do hồ sơ hóa thạch còn hạn chế, những gì đã xảy ra ở châu Á trong khoảng 80 đến 85 triệu năm trước vẫn chưa rõ ràng, Darla bổ sung. Một số cá thể Khankhuuluu có thể đã tiếp tục tồn tại ở châu Á, nhưng có khả năng đã bị thay thế bởi những loài bạo long lớn hơn khoảng 79 triệu năm trước.

Lần thứ hai, một loài bạo long khác lại vượt qua cầu đất liền để quay trở lại châu Á khoảng 78 triệu năm trước, dẫn đến sự tiến hóa của hai nhóm bạo long có họ hàng gần nhưng rất khác biệt, Tiến sĩ Zelenitsky cho biết. Một nhóm phát triển thành những loài có kích thước khổng lồ với mõm sâu gọi là Tyrannosaurini, trong khi nhóm còn lại, Alioramini, có thân hình mảnh mai và nhỏ hơn. Những loài khủng long nhỏ này được đặt biệt danh là "Pinocchio rex" do phần mõm dài và nông của chúng.

Ước tính kích thước của Khankhuuluu.

Cả hai nhóm bạo long này có thể cùng tồn tại ở châu Á mà không cạnh tranh với nhau, bởi Tyrannosaurini là những kẻ săn mồi đỉnh cao, trong khi Alioramini là kẻ săn mồi trung cấp (mesopredator) chuyên săn con mồi nhỏ hơn — tương tự như báo hoặc chó rừng trong hệ sinh thái châu Phi ngày nay, Darla giải thích.

"Do kích thước nhỏ bé, Alioramini lâu nay vẫn bị cho là những loài bạo long nguyên thủy, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự nhỏ bé của chúng đã tiến hóa một cách độc lập, khi chúng ‘thu nhỏ’ cơ thể bên trong một nhánh của Họ Bạo long mà hầu hết đều là những loài khổng lồ," Zelenitsky cho biết.

Cuộc di cư thứ ba, cũng là lần di cư cuối cùng cuối cùng diễn ra khi các loài bạo long tiếp tục tiến hóa, và một loài bạo long khổng lồ đã quay trở lại Bắc Mỹ cách đây 68 triệu năm, dẫn đến sự xuất hiện của T. rex.

"Sự thành công và đa dạng của bạo long là nhờ một số cuộc di cư giữa hai lục địa, bắt đầu với Khankhuuluu," bà nói. "Bạo long đã có mặt đúng nơi, đúng thời điểm. Chúng đã tận dụng sự di chuyển giữa các lục địa, có thể tìm thấy những khoảng trống sinh thái phù hợp, và nhanh chóng tiến hóa để trở thành những cỗ máy săn mồi lớn và hiệu quả."

Nguồn: Ashley Strickland, "‘Dragon prince’ dinosaur discovery is changing how scientists understand T. rex" / CNN.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét