[Mê Khủng Long - Dinophile.vn] Không phải bất cứ loài bò sát đã tuyệt chủng nào cũng là khủng long.
Trong khi đã cố gắng giải thích định nghĩa khủng long là gì, vẫn còn một vấn đề nữa chúng ta phải giải quyết: đó là phân biệt khủng long với nhiều nhóm bò sát cổ đại khác mà truyền thông và văn hóa đại chúng đã đánh đồng với khủng long trong nhiều trường hợp, nếu không muốn nói là đa số.
Một trường hợp điển hình đó là tập truyện dài Doraemon có nhan đề Chú khủng long của Nobita của tác giả Fujiko F. Fujio. "Chú khủng long" trong câu chuyện này thực chất thuộc một loài trong nhóm plesiosaur (mà một số nguồn tiếng Việt dịch là "thằn lằn đầu rắn", "xà cảnh long" hay "xà đầu long"). Ngoài plesiosaur, những nạn nhân khác của sự nhầm lẫn này còn có các nhóm bò sát khác như ichthyosaur, pterosaur, mosasaur và pelycosaur. Hay cũng mới gần đây thôi, trang web của CBS News cũng nhầm plesiosaur với khủng long khi gọi plesiosaur là "an aquatic dinosaur" (khủng long nước).
Trong khoảng 10 năm đổ lại đây, các nhà cổ sinh vật học, các tạp chí khoa học cũng như nhiều người am hiểu về thế giới cổ sinh đã cố gắng giải thích sự khác biệt giữa khủng long và các nhóm bò sát cổ đại khác. Chẳng hạn như bài viết năm 2010 trên tạp chí của Viện Smithsonian, "Why a Pterosaur is Not a Dinosaur" (tạm dịch: Tại sao dực long không phải là khủng long); hoặc bài "Dinosaurs, Pterosaurs And Other Saurs - Big Differences" (tạm dịch: Khủng long, dực long và các loài bò sát cổ đại khác - Sự khác biệt lớn) đăng trên Forbes. Những nỗ lực này có vẻ đã thành công với nhóm những người quan tâm đến thế giới khủng long, nhưng chưa chắc đã tác động nhiều đến đại chúng. Ở đâu đó, người ta vẫn sẽ thấy khủng long bị đánh đồng với những họ hàng Reptilia khác, và chúng ta cũng không thể chắc chắn điều này sẽ sớm thay đổi.
Ở đây, đội ngũ biên tập chúng tôi sẽ cố gắng tổng hợp định nghĩa về những nhóm bò sát cổ đại như plesiosaur, ichthyosaur, pterosaur, mosasaur và pelycosaur không phải là khủng long và giải thích một số khác biệt nhằm giúp bạn đọc vượt qua những khúc mắc của mình khi phân biệt các nhóm bò sát cổ đại này.
Pelycosaur
Pelycosaur có nghĩa là "thằn lằn rìu". Chúng sống chủ yếu trên cạn vào khoảng 310-260 triệu năm trước, từ rất lâu trước khủng long. Pelycosaur giống bò sát nhưng lại có quan hệ gần gũi với các loài động vật có vú hơn. Cho đến lúc này loài pelycosaur nổi tiếng nhất và cũng thường xuyên bị gọi nhầm là khủng long nhất đó là Dimetrodon, một loài ăn thịt dài đến 3 mét với cánh buồm trên lưng. Cánh buồm này được tạo thành từ những gai thần kinh và có công dụng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, hấp dẫn bạn tình. Pelycosaur là những động vật một cung bên (Synapsida) nguyên thủy - tức các động vật có xương sống sở hữu hộp sọ có một lỗ thái dương đằng sau mỗi hốc mắt (bò sát có hai). Động vật có vú chính là những đại diện duy nhất còn tồn tại của động vật một cung bên.
Dimetrodon là loài pelycosaur điển hình và cũng thường xuyên bị gọi nhầm là "khủng long". Ảnh: Greenlane.com. |
Ichthyosaur
Ichthyosaur có nghĩa là "thằn lằn cá", có niên đại 250-90 triệu năm trước và sống ở biển. Cái tên của chúng đã gợi ý khá nhiều về hình dạng của những sinh vật này. Các loài thuộc nhóm ichthyosaur có hình dạng rất giống cá heo hiện đại, với cơ thể dạng thuôn để trở thành loài bò sát biển có tốc độ nhanh nhất. Cũng giống như các loài động vật có vú sống dưới biển, chúng hít thở không khí, đẻ con và rất có thể là những loài màu nóng. Ichthyosaur có đôi mắt to để nhìn rõ trong vùng nước sâu, vây đuôi thẳng đứng (giống cá ngừ) và một số loài còn có vây lưng. Người ta không biết nhiều về tổ tiên của thằn lằn cá - những loài bỏ sát sống trên cạn nhưng đã quay trở lại biển - cũng như lý do chúng tuyệt chủng. Họ chỉ biết rằng thằn lằn đầu rắn đã thay thế chúng để trở thành những kẻ săn mồi hàng đầu dưới biển.
Thằn lằn cá có ngoại hình rất giống cá heo hiện đại. Ảnh: Wikipedia. |
Pterosaur
Pterosaur có nghĩa là "thằn lằn có cánh", bắt đầu xuất hiện từ khoảng 228 triệu năm trước và biến mất khoảng 66 triệu năm trước, gần như tồn tại trong cùng một khoảng thời gian với khủng long. Chúng biết bay, và là loài động vật có xương sống đầu tiên sở hữu khả năng này. Cơ thể của pterosaur tiến hóa để thích nghi tốt với việc bay, khi có những chiếc xương rỗng, nhẹ. Thay vì lông vũ, chúng có cánh làm từ mô mềm, tạo thành một tấm màng căng từ chân cho đến các ngón của chi trước. Nhóm pterosaur còn có thể chia làm hai nhóm nhỏ: nhóm thứ nhất gồm các loài pterosaur có đuôi dài như Dimorphodon, nhóm thứ hai được gọi là pterodactyl với những đại diện như Pterodactylus hay động vật bay lớn nhất trong lịch sử, Quetzalcoatlus, với sải cánh lên tới 11 mét. Lưu ý: pterosaur không dính dáng gì mấy với chim, nhưng chúng với khủng long từng có một tổ tiên chung trước khi xuất hiện những loài chim đầu tiên khoảng 100 triệu năm.
Pterosaur thường xuyên góp mặt trong các bộ phim về khủng long, dù chúng thật sự không phải khủng long. Ảnh: Lab Manager. |
Plesiosaur
Như đã nói, plesiosaur thường được dịch sang tiếng Việt là "thằn lằn đầu rắn". Chúng sống trong khoảng 205-66 triệu năm trước, hầu hết cư trú ở biển nhưng những phát hiện gần đây cho thấy có những loài plesiosaur sống ở các vùng nước ngọt. Đặc trưng của thằn lằn đầu rắn là có đuôi ngắn, chân chèo dài và cơ thể hơi dẹt. Plesiosaur cũng có thể chia làm hai nhóm, dựa trên hình dạng đầu. Nhóm thứ nhất là các loài plesiosaur điển hình, chẳng hạn như Elasmosaurs, với cổ dài và đầu nhỏ. Nhóm thứ hai được gọi là pliosaur, gồm những loài như Liopleurodon, có cổ ngắn hơn và đầu lớn hơn. Pliosaur là những động vật ăn thịt đầu bảng và có lẽ ăn được mọi động vật dưới biển, bao gồm cả những con plesiosaur nhỏ hơn. Cả hai dạng trên đều có thể dài đến 15 mét, mạc dù ở các loài plesiosaur điển hình, cổ của chúng đã chiếm hết một nửa. Chúng hít hở không khí, đẻ con và có lẽ cũng là động vật máu nóng giống như ichthyosaur và các loài động vật có vú sống dưới biển hiện đại.
Thằn lằn đầu rắn plesiosaur. Ảnh: Sci.News. |
Mosasaur
Cái tên mosasaur bắt nguồn từ loài điển hình là Mosasaurus, có nghĩa là "thằn lằn sông Meuse". Trong tiếng Việt, chúng được gọi là "thương long". Niên đại của các loài mosasaur nằm trong khoảng 90 đến 66 triệu năm trước. Mosasaur thuộc nhóm bò sát có vảy (Squamata), nhóm động vật bao gồm thằn lằn và rắn thời nay. Tổ tiên của chúng giống với kỳ đà, như rồng Komodo ngày nay. Thay vì di chuyển bằng cách uốn lượn cơ thể như lươn và rắn biển, thương long bơi bằng cách quẫy đuôi giống cá mập. Chúng không nhanh như thằn lằn cá, nhưng là địch thủ đáng gờm của thằn lằn đầu rắn về kích cỡ, khi những con lớn như Tylosaurus cũng có thể dài đến 15 mét. Hầu hết sống ở biển, nhưng cũng có loài sống ở vùng nước ngọt. Mosasaur nổi lên khá muộn nhưng nhanh chóng trở thành loài săn mồi đầu bảng. Chúng cũng bị tuyệt chủng cùng thời điểm với khủng long.
Thương long mosasaur thay thế plesiosaur thống trị biển cả. Ảnh: Wxiztv.com. |
***
Có thể thấy, ngoại trừ pelycosaur đã xuất hiện và tuyệt chủng trước khủng long từ khá lâu, những nhóm bò sát khác tồn tại gần như đồng thời với khủng long. Tuy nhiên, trong khi khủng long thống trị trên cạn, những nhóm này thống trị các sinh cảnh khác như đại dương và trên không. Đa số các nhóm này cũng tuyệt chủng cùng với các loài khủng long phi điểu sau sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng - Cổ Cận.
Ngày nay, người ta vẫn thường xuyên tìm thấy hóa thạch của những loài này, cùng với hóa thạch khủng long góp phần xây dựng nên bức tranh toàn cảnh về đời sống thời tiền sử khi khủng long còn đang dạo bước trên Trái đất. Trong hệ thống phân loại theo nhánh, chúng thuộc về những nhánh khác nhau tuy có thể cùng bắt nguồn từ một nhánh gốc là nhánh Reptilia.
Hy vọng, bài viết trên đã giúp bạn đọc làm rõ những vấn đề xoay quanh khủng long và các nhóm bò sát cổ đại khác. Nói là khác biệt nhưng không có nghĩa là tách biệt, bởi khủng long và những nhóm bò sát này đã từng sống cạnh nhau để tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh thời cổ đại. Thế nên, đâu đó trên trang web này, các bạn có thể sẽ bắt gặp bài viết về những nhóm bò sát cổ đại khác bên cạnh khủng long, cũng giống như mối quan hệ của con người với các nhóm sinh vật khác ngày nay vậy.
0 Nhận xét