TỪNG CÓ LÚC CÁC NHÀ CỔ SINH VẬT HỌC NGHĨ MỘT SỐ LOÀI KHỦNG LONG CÓ HAI BỘ NÃO

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnMột giả thuyết hơi điên rồ đến từ vị trí các nhà cổ sinh vật học.

Khủng long chân thằn lằn và chi khủng long Stegosaurus là những ứng viên hoàn hảo cho giả thuyết này. Chúng là những con khủng long khổng lồ nhưng lại sở hữu bộ não có kích cỡ quá nhỏ so với phần còn lại của cơ thể. Thế nên, một số nhà cổ sinh vật học trước đây cho rằng chúng hẳn phải có một bộ não thứ hai được đặt đâu đó ở phần sau cơ thể để giúp vận hành các cơ quan thuộc về phần này như chi sau và đuôi. 

Ngoài ra "bộ não thứ hai" này còn có thể giúp đẩy nhanh tốc độ truyền tín hiệu từ bộ não chính đến phần sau cơ thể. 

Nguồn gốc của giả thuyết này đến từ nhà cổ sinh vật học thế kỷ XIX Othniel Charles Marsh. Khi xem xét hóa thạch của khủng long Stegosaurus cũng như một số khủng long sauropod như Camarasaurus, Marsh nhận thấy có một khoang lớn ở đốt sống phần hông có thể chứa được một cấu trúc lớn gấp nhiều lần bộ não của chúng. 

Từ đó, ông kết luận, rất có thể những loài khủng long này có bộ não thứ hai (hay một cơ quan có chức năng tương tự như não) để gánh vác phần nào việc điều khiển một cơ thể quá to lớn so với bộ não chính nằm trên đầu.

Tuy nhiên, những nghiên cứu sau này đã dần dần bác bỏ giả thuyết trên. Theo đó, khoảng không gian trong đốt sống này không chỉ Stegosaurus hay các loài khủng long sauropod mới có. Chim cũng sở hữu đặc điểm tương tự. Đó là nơi để chứa thể glycogen (glycogen body), một cấu trúc dùng để vận hành việc cung cấp glycogen cho hệ thần kinh của động vật. Ngoài ra, nó còn có thể đóng vai trò là một cơ quan giúp giữ thăng bằng, hoặc là nơi chứa các hợp chất để cung cấp cho hệ thần kinh.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét