CHUYỆN CỦA DOLLY, CHÚ KHỦNG LONG BỊ VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP 150 TRIỆU NĂM TRƯỚC

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnNếu những chứng bệnh về đường hô hấp có thể đánh gục ngay cả các sinh vật hùng vĩ như khủng long thì chúng cũng có thể đánh gục bạn.

Dolly là bằng chứng đầu tiên về việc mắc bệnh đường hô hấp ở khủng long. Nguồn: Woodruff và các cộng sự.

Những ngày cuối năm, thời tiết có đôi chút khó chịu, lúc nóng lúc lạnh thất thường. Đó cũng là lúc những căn bệnh theo mùa, nhất là bệnh đường hô hấp bắt đầu xuất hiện.

Mới cách đây chưa lâu, tôi cũng bị cảm do lây virus từ người trong nhà. Hậu quả là mấy ngày liền nằm bẹp như cái mền rách, ho sù sụ, nước mũi thì chảy lòng thòng, sốt lên đến 38 độ rưỡi. Và trong cơn sốt vì cảm lạnh đó, trong đầu tôi bỗng nảy ra câu hỏi: “Khủng long có bị bệnh về đường hô hấp không?”

Ban đầu tôi nghĩ, làm sao mà biết được, bệnh tật có hóa thạch được đâu? Nhưng sau khi nghiêm túc tìm hiểu thì tôi mới biết câu trả lời là “có thể” và sự “có thể” này có bằng chứng đàng hoàng.

Vào năm 1990, ở Montana, Mỹ, các nhà cổ sinh vật học đã khai quật được xương sọ và một số đốt sống cổ của một con khủng long sauropod thuộc họ Diplodocidae. Các phân tích về xương cho thấy cá thể khủng long này có độ tuổi từ 15-20 khi qua đời. Họ đặt tên cho nó là Dolly. Tất nhiên cái tên này không liên quan đến chú cừu Dolly nổi tiếng vì cừu Dolly đến tận năm 1996 mới ra đời.

Hóa thạch của khủng long Dolly được lưu giữ lại như bình thường nhưng phải chờ đến tận hơn 30 năm sau, những điều đặc biệt bên trong mới được người ta khám phá. Năm 2022, vì muốn nghiên cứu kỹ hơn xương của các loài sauropod trong đó Dolly là một thành viên, một nhà cổ sinh vật học tên là Cary Woodruff cùng các cộng sự của mình đã tiến hành quan sát lại bộ xương này. Và ngạc nhiên thay, khi nhìn gần hơn, các nhà cổ sinh vật học của chúng ta bỗng phát hiện ra một số chỗ lồi bất thường trên xương cổ của Dolly.

Để tìm hiểu đó là gì, họ đã dùng công nghệ chụp cắt lớp để xem bản chất của những chỗ xương lồi. Kết quả cho thấy, rất có thể những chỗ xương lồi này hình thành như một cách cơ thể của Dolly phản ứng với một căn bệnh truyền nhiễm về hô hấp. Theo những nghiên cứu mới nhất của các nhà cổ sinh vật học về khủng long, những loài khủng long sauropod như Dolly có một hệ hô hấp hết sức phức tạp với những khoang khí ở khắp cơ thể nối với phổi, cả ở cổ cũng có. Nếu những chỗ này bị nhiễm bệnh, xương cổ có thể bị ảnh hưởng.

Hình ảnh hóa thạch đốt sống cổ của Dolly cho thấy xương của nó đã bị ảnh hưởng bởi bệnh đường hô hấp. Nguồn: Woodruff và các cộng sự.

Woodruff cho biết: “Trong những khoảng thời gian cơ thể bị tổn thương, xương có thể mọc khá nhanh, thế nên nói chung tôi hình dung mình đang thấy một căn bệnh truyền nhiễm kéo dài đã diễn ra vào một thời điểm nào đó trong năm cuối đời của Dolly. Với những triệu chứng có thể đã xảy ra mà con vật phải chịu, khi cầm những chiếc xương có dấu hiệu nhiễm bệnh trên tay, bạn không thể không cảm thấy thương xót cho Dolly.”

Nhà cổ sinh vật học này nói tiếp: “Tất cả chúng ta đều trải qua những triệu chứng tương tự – ho, khó thở, sốt, vân vân – và đây là một con khủng long 150 triệu năm tuổi có lẽ cũng đã đau khổ không kém gì chúng ta mỗi lần bị bệnh.”

Dù những vết lồi này không quá lồi, chỉ khoảng 1cm nên khó gây cấn hoặc khiến cổ của Dolly bị sưng lên, nhưng Dolly chắc chắn đã rất khó chịu với những triệu chứng giống cúm hoặc viêm phổi ở người, chẳng hạn như bị sụt cân và hắt xì. Nguyên nhân gây ra căn bệnh được cho là do virus hoặc dị ứng bào tử nấm, một nguyên nhân gây bệnh hô hấp hết sức phổ biến có khả năng dẫn đến các tổn thương về xương ở các loài chim và bò sát hiện đại. Và thậm chí, trong một số trường hợp, nếu không được chữa trị kịp thời và thích hợp, chim có thể chết vì dạng bệnh này. Do đó, cũng rất có thể Dolly đã không qua khỏi, mặc dù các nhà cổ sinh vật học không dám chắc chắn hoàn toàn. Xin nói thêm, nơi người ta tìm thấy hóa thạch Dolly là dãy núi Rockies, vào thời đại khủng long là một nơi nóng ẩm, cây cối um tùm, rất thích hợp cho những căn bệnh kiểu này phát sinh ở động vật. Dolly có thể mắc bệnh khi vô tình hít phải một bào tử nấm hoặc cũng có thể bị lây virus từ một thành viên khác trong đàn của nó.

Ngay cả một sinh vật to lớn như khủng long chắc chắn cũng cảm thấy vô cùng khó chịu trước những triệu chứng của bệnh đường hô hấp. Tranh minh họa của Corbin Rainbolt.

Dẫu nguyên nhân là gì đi nữa, hóa thạch khủng long Dolly vẫn là bằng chứng đầu tiên về một căn bệnh đường hô hấp ở khủng long. Và dù là ở thời nào, dù là với khủng long hay con người thì các căn bệnh hô hấp theo mùa luôn gây ra những thiệt hại đáng kể. 

Câu chuyện của Dolly đã dừng lại ở thời điểm 150 triệu năm trước, còn câu chuyện của chúng ta, những con người còn đang sống hôm nay thì vẫn tiếp tục. Chúng ta cũng là những mục tiêu tiềm năng của các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp, đặc biệt là virus hay siêu vi. Chỉ mới cách đây một năm thôi, căn bệnh Covid-19 vẫn còn đang gieo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp thế giới. Tuy tỷ lệ gây tử vong thấp, nhưng mỗi lần bị bệnh, chúng ta sẽ mất kha khá thời gian để phục hồi, ảnh hưởng đến nhiều kế hoạch trong công việc và cuộc sống. Vì thế, hãy cố gắng bảo vệ sức khỏe của mình trước những biến động của thời tiết cũng như những con siêu vi, nhất là khi trước mắt chúng ta là một thời điểm giao thoa giữa năm mới và năm cũ đầy bận rộn nhưng cũng đầy khát khao, ước vọng về một tương lai tươi sáng. Đừng để bệnh tật đánh gục bạn vào thời điểm này!


Đăng nhận xét

0 Nhận xét